Vào những ngày thời tiết nóng bức, nhiều nữ sinh không có hứng thú học tập khi mặc áo dài |
Đồng phục học sinh một mặt thể hiện nét đặc trưng của từng trường, mặt khác thể hiện tính văn minh, lịch sự chốn học đường. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của từng vùng miền mà có quy định phù hợp.
Quy định theo vùng, miền
Quy định nữ sinh mặc áo dài là để giáo dục ý thức các em giữ gìn nét duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, song quy định như thế là không thích hợp. Cụ thể, học sinh ở những vùng nông thôn vào mùa mưa, lụt không thể bắt các em phải mặc áo dài. Trông các em nữ sinh đến trường với đôi ống quần nhem nhuốc bởi bùn, đất thì thật là phản cảm. Chưa kể đường sá, giao thông ở một số địa phương chưa thuận tiện, việc đi học bằng đò, băng rừng, lội suối. Hơn nữa, không ít nữ sinh cho rằng mặc áo dài gây khó khăn trong việc đi xe, khi thảo luận nhóm và khó có thể tập trung học tập vào những ngày trời nóng bức.
Không đâu xa, ở một số quận, huyện TP.HCM, các em vừa đạp xe ra khỏi nhà vào những ngày mưa thì những đôi giày đã bị ướt sũng, nặng trịch, bùn đất lấm lem thật khó coi. Không chỉ thế, việc mang giày đi qua những đoạn đường ngập nước hoặc đi dưới mưa đến lớp và ngồi học suốt cả buổi dễ dẫn đến tình trạng nước ăn chân và nấm kẽ chân. Nhiều trường chỉ quy định nữ sinh mặc đồng phục áo dài vào ngày chào cờ đầu tuần hay những dịp lễ lộc và chỉ mang giày khi thời tiết đẹp còn bình thường chỉ mặc quần tây, áo sơ mi trắng và mang dép có quai hậu. Thiết nghĩ, các trường THPT trên cả nước cần thông thoáng hơn để “cởi trói” cho các em đỡ vướng víu.
Bộ GD-ĐT đang tích cực xây dựng “Môi trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để học sinh tích cực thì trước hết phải có một môi trường học thân thiện. Quy định về đồng phục thích hợp cho từng vùng, miền sẽ tạo cảm giác hưng phấn cho các em khi đến trường.
Phụ huynh tự mua sắm
Còn riêng đồng phục quần tây, áo trắng, Bộ GD-ĐT cần có quy định chung một mẫu đồng phục cho từng cấp học trong cả nước. Quần tây quy định màu rõ ràng, màu sắc dễ nhìn, không lòe loẹt như xanh, đen… Để đồng phục từng bậc học được thống nhất, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu và đưa ra các mẫu thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi. Về chất liệu vải, không thể quy định theo đúng một chất liệu cụ thể mà tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình họ có thể tự do lựa chọn giá cả phù hợp. Theo đó, trên áo của học sinh gắn logo để phân biệt trường và lớp nào. Nhà trường hãy để tự ý phụ huynh mua sắm đồng phục theo quy định, không bắt buộc phải mua của trường. Làm như vậy, mỗi năm tiết kiệm được rất nhiều tiền vì đồng phục năm trước sẽ tận dụng được cho năm học sau. Khi học sinh có chuyển trường sang nơi khác học cũng có thể sử dụng lại đồng phục cũ mà chỉ cần thay đổi logo của trường.
Anh Nguyễn Văn Hồng, phụ huynh ở quận 9 bức xúc: “Tôi không lấy làm vui khi mỗi trường tự thiết kế một kiểu đồng phục riêng. Nhà trường là nơi dạy dỗ các em chứ không phải nơi kinh doanh, bán đồng phục cho học sinh. Đồng ý, nhà trường đặt may đồng phục số nhiều nên giá cả rẻ hơn so với giá thị trường phụ huynh cũng có lợi nhưng suy cho cùng làm như thế chẳng khác nào ép phụ huynh phải mua đồng phục do nhà trường bán. Hơn nữa môi trường giáo dục đã biến thành môi trường kinh doanh”.
Đồng phục “loạn” sắc:
Một trường THPT ở Hà Nội thông báo về đồng phục học sinh cũng như đồng phục thể dục năm học 2009-2010 như sau:
Chính khóa: (sáng)
– Nam: quần tây xanh dương đậm + áo sơ mi trắng, trên áo có phù hiệu và logo trường.
– Nữ: bộ áo dài trắng, quần trắng vào sáng thứ 2/tuần và các ngày lễ (may theo kiểu truyền thống). Các buổi còn lại trong tuần: mặc đồng phục váy do nhà trường thiết kế (giống như năm học 2008-2009): váy sọc caro màu đỏ booc-đô, áo sơ mi trắng tay ngắn có cravatte, trên ngực áo có phù hiệu và trên tay áo có lolo trường.
Riêng các buổi sáng nếu có giờ thể dục, quốc phòng học sinh mặc đồng phục thể dục-mang giày ba-ta.
Phụ khóa: (chiều): Học sinh toàn trường mặc đồng phục thể dục:
– K10: quần xanh dương đậm + áo trắng sọc xanh dương (Blue)
– K11: quần xanh dương đậm + áo trắng sọc xanh lá cây (Green)
– K12: quần xanh dương đậm + áo trắng sọc đỏ (Red)
Giày HS: Tất cả HS của trường phải mang giày có quai hậu hoặc giày ba-ta.
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè nói: “Chúng tôi là một trong nhiều thế hệ của Trường Áo Tím (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai-PV), chúng tôi tự hào vì có một thời tuổi trẻ với bộ đồng phục đáng yêu, đáng nhớ. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, thời điểm mà có quy định đồng phục cho thích hợp. Đồng phục cần thống nhất theo từng bậc học, chỉ cần logo đính trên ngực áo học sinh để phân biệt là đủ. Còn các trường muốn khẳng định thương hiệu của mình qua những bộ đồng phục thì trước hết phải xem lại chất lượng giáo dục của mình như thế nào. Tôi thấy một số trường quốc tế tại Việt Nam có quần đỏ chói nhưng lưng thì trễ xuống nhìn rất chướng mắt”. |
Nguyên Thảo
Bình luận (0)