Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cần có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Quỹ hỗ trợ phát triển là cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh nhưng đến nay việc thành lập quỹ vẫn chậm trễ

Tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày 23-2 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến mong sớm có quỹ để hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nguồn vốn này sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà làm phim trẻ sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài. Tuy nhiên, sau nhiều lần lấy ý kiến, thảo luận, việc thành lập quỹ vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Sức mạnh mềm để phát triển ngành phim

Một trong những nội dung báo cáo trong hội nghị là việc xây dựng quỹ phát triển điện ảnh. "Cơ quan thẩm tra cũng như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc tính khả thi và sự phù hợp của quy định về quỹ với mục đích quy định tại điều 43 nhưng chưa đưa ra được phương án khả thi cho nguồn thu, khả năng độc lập về tài chính của quỹ" – nội dung trong báo cáo viết.

Cần có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh - Ảnh 1.

Những phim nghệ thuật, phim đầu tay rất cần có tài trợ từ nguồn hỗ trợ phát triển điện ảnh. Trong ảnh: Phim “Ròm” là phim đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy và từng đoạt giải New Currents tại Liên hoan Phim quốc tế Busan 2019. Ảnh do nhà phát hành cung cấp

Hầu hết các đại biểu tại hội nghị đều cho rằng việc có một quỹ chung để hỗ trợ phát triển điện ảnh là điều cần thiết và phải có từ lâu. Thái Lan, Singapore… đều có nhiều nguồn quỹ hỗ trợ điện ảnh cả trong lẫn ngoài nước, hoạt động dưới nhiều hình thức. PGS-TS Trần Luân Kim nhấn mạnh: "Cần có quỹ để thúc đẩy điện ảnh phát triển. Việc quản trị quỹ để chống lãng phí, chống tham nhũng không khó, đây không nên là lý do để hạn chế quỹ". Theo PGS-TS Trần Luân Kim, ở nhiều nước, quỹ được trích từ phần trăm trong nguồn phát hành phim. Việt Nam cứ lấn cấn việc này vì phía phát hành phim phản đối.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết ở các nước trong khu vực và thế giới đều có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Họ không chỉ hỗ trợ cho điện ảnh trong nước mà còn hỗ trợ cho người trẻ đam mê điện ảnh có kịch bản độc đáo ở các nước khác. Họ chọn dự án tài trợ bằng cách mời hội đồng chuyên môn từ nhiều nước để đánh giá kịch bản. Ngoài việc quảng bá kinh tế, họ còn hỗ trợ được nguồn nhân lực điện ảnh ở tại nước họ và thu hút tài năng điện ảnh của các nước khác.

"Chỉ có cách đó chúng ta mới có thể phát hiện tài năng, đạo diễn trẻ mới có cơ hội bắt đầu. Không sớm xây dựng quỹ vì cân nhắc quỹ này lấy tiền đâu ra và vướng vào Luật Ngân sách thì chúng ta chưa nắm được sức mạnh của điện ảnh. Các nước dùng điện ảnh như sức mạnh mềm để cạnh tranh. Nếu chúng ta không có chính sách cụ thể, đầu tư cụ thể thì sao có được sức mạnh mềm này" – đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Trong những hội nghị góp ý trước đó, vấn đề xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng được đề cập. Nhiều đề xuất đưa ra để giải quyết vướng mắc xoay quanh nguồn thu của quỹ.

Trong tham luận tại hội nghị năm 2021, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, góp ý: "Đề nghị trích từ doanh thu chiếu phim tại rạp để hỗ trợ điện ảnh phát triển, khoảng 0,5%/tổng doanh thu chiếu phim". Một số góp ý khác cho rằng nên trích phần trăm từ số vé bán ra nhưng lại lo ngại điều này dẫn đến giá vé tăng và tác động đến khán giả. Để tạo điều kiện góp phần vào sự phát triển bền vững cho điện ảnh trong tương lai, một nguồn quỹ cần được thành lập. Đây là mong mỏi của hầu hết người làm nghề.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhìn nhận: "Cần đồng nhất ý kiến mở rộng xã hội hóa để tất cả các thành phần tham gia không gặp phải cản trở và để điện ảnh phát triển. Phải xác định điện ảnh là mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa. Chúng tôi cố gắng để có được quỹ, có được ưu đãi cụ thể về thuế, hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài đến bối cảnh quay tại Việt Nam. Nền điện ảnh phải có nguồn hỗ trợ đầu tư thì mới có cách mạng trong điện ảnh".

Với sự nỗ lực chung, nhiều kỳ vọng sẽ sớm có được quỹ hỗ trợ phát triển để góp phần vào sự phát triển bền vững của điện ảnh trong tương lai. 

Cần mở rộng quỹ tư nhân

Tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD, cho rằng: "Quỹ đầu tư điện ảnh mà các địa biểu đang thảo luận là quỹ của nhà nước. Về lâu dài, cần mở rộng các quỹ đầu tư tư nhân. Chúng ta làm luật không phải chỉ cho vài năm sắp tới mà rất nhiều năm sau nên cần thành lập các quỹ tư nhân".

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)