Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần có sự đổi mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” nhưng có một số điều chỉnh, như các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối Năng khiếu – Nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.
GS.TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VA

Phóng viên (PV): Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp “3 chung” cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện không còn phù hợp, cần có sự thay đổi. GS nghĩ sao về vấn đề này?

 
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì cả nước rộn ràng. Có thể mô tả như chiến dịch, thậm chí là “đại chiến dịch”. Xét trên một phương diện nào đó thì thấy được sự trọng thị của các cấp ngành, các trường ĐH và người dân với một công việc hết sức hệ trọng là tuyển người có năng lực vào học ở các trường đại học. Việc này càng trở nên nhộn nhịp hơn từ khi chúng ta tổ chức thi “3 chung”. Nhưng trong quá trình thực hiện, hình thức thi này bắt đầu bộc lộ hạn chế, và có lẽ cần phải cải tiến hay đổi mới phương thức tuyển sinh vào ĐH, CĐ như hiện nay. Một kỳ thi mà khiến cho toàn bộ xã hội bị cuốn vào như vậy có nên không? Theo tôi biết, các nước khác không đâu làm thế.
Một điều rất quan trọng nữa, với cách làm quy mô “đại chiến dịch” như vậy, làm hao tổn nhiều sức lực nhưng tại sao vẫn có những người trượt ở mức không tưởng vì đạt điểm rất thấp ở môn này hay môn kia. Câu hỏi này cũng phải đặt ra. Rõ ràng các thí sinh đã có một sự chuẩn bị, có sự ôn luyện thì vì lý do gì họ không trả lời được tý gì. Lỗi tại đâu? Một vấn đề nữa xã hội đặt ra là, liệu cách thức thi như vậy có tuyển được người có năng lực không? Tất cả câu hỏi đó đặt ra cho người làm quản lý.
PV: Vậy việc đổi mới phương thức tuyển sinh sẽ phải xuất phát từ đâu, thưa GS?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Theo tôi, trước hết phải hiểu sâu hơn thực chất giáo dục ĐH là gì? Giáo dục ĐH có sự khác biệt căn bản với giáo dục phổ thông. Nếu như giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức “nền”, giáo dục ý thức công dân vì thế rất cần mặt bằng. Như vậy, tạo mặt bằng là bản chất chung của giáo dục phổ thông, bởi vì đấy là mặt bằng dân trí, mặt bằng phổ thông. Thêm nữa, kiến thức phổ thông là kiến thức ổn định, và ở đó rất nhiều thứ phải nhớ, do đó, người ta dùng từ “trang bị kiến thức” là rất chuẩn, không yêu cầu người học ở bậc phổ thông phải sáng tạo tri thức mới vì đó là kiến thức cổ kim đông tây trên thế giới đúc kết lại để trang bị.
Thế nhưng, giáo dục ĐH là đào tạo nguồn nhân lực, mà đào tạo nguồn nhân lực thì rất khó tạo nên mặt bằng, bởi vì xã hội cần nhiều loại nhân lực. Có thể nói, dải phổ của chất lượng giáo dục ĐH rất rộng, do đó bản chất của ĐH là phân tầng, nên kỳ vọng tạo một thứ chất lượng dàn hàng ngang là khó. Chính vì vậy thi ĐH “3 chung” như hiện nay là vướng chuyện này, nhất là khi đặt ra phân điểm sàn. Điều này làm khó cho các trường ngoài công lập khi mà mức độ họ cần chỉ vừa phải. Thêm nữa, giáo dục ĐH cần trang bị tư duy, phương pháp tư duy, phương pháp luận, cách thức làm việc hơn là trang bị những kiến thức cụ thể như ở bậc phổ thông.
 
                          Ảnh minh họa. Nguồn: VA
PV: Như vậy, việc đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đang là đòi hỏi, là yêu cầu cấp bách hiện nay, thưa GS?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đúng vậy, trải qua một thời gian lắng nghe ý kiến các cơ sở đào tạo, xã hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bắt đầu từ cuối năm ngoái, Bộ GD-ĐT nhận thấy việc tổ chức tuyển sinh "3 chung", cùng với xu thế phân bớt quyền về các trường thì có lẽ việc tổ chức tuyển sinh cho cả nước cần phải thay đổi từng bước, tức là giao cho các cơ sở đào tạo. Trước mắt theo hướng các đơn vị có đủ khả năng sẽ giao trước tự tổ chức tuyển sinh và ĐHQG Hà Nội cũng là đơn vị được Bộ “nhắm” tới. Sau khi tiếp nhận được thông báo đó, hiện ĐHQG Hà Nội đang tập trung làm một đề án tuyển sinh mới hoàn toàn mà sau này thành cơ sở khoa học báo cáo với Bộ. Còn nếu vẫn theo cách thức tuyển sinh như cũ chỉ giao cho trường tự tổ chức thì ĐHQG Hà Nội không có khó khăn gì, cũng không cần phải chuẩn bị nhiều, vì mọi thứ đã có sẵn. Vì các thầy giáo ra đề thi của Bộ phần lớn là giảng viên trường này, nghĩa là nguồn nhân lực ra đề ở đây rất đông, và đều là các thầy giáo có kinh nghiệm ra đề ở tất cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ.
PV: GS có thể nói cụ thể hơn về phương án đổi mới tuyển sinh riêng của ĐHQG Hà Nội trình Bộ GD-ĐT?
GS.TSKH Vũ Minh Giang: Không phải chỉ là chuyện giao cho trường mà cần phải có sự đổi mới toàn diện trong công tác tuyển sinh. Theo đó, tổ chức thi theo hình thức của kỳ thi SAT cho thí sinh thi tuyển sinh ĐH; GMAT, GRE cho thí sinh thi tuyển sinh cao học là lựa chọn đổi mới của ĐHQG Hà Nội. Đây là hình thức đưa ra các bài thi đánh giá đúng năng lực người dự thi mà hệ thống giáo dục các nước, nhất là Hoa Kỳ, đang áp dụng. SAT là kỳ thi dành cho học sinh thi vào đại học (bao gồm các môn: toán, từ vựng, kỹ năng viết; các kỹ năng và kiến thức đọc hiểu, lĩnh hội thông tin từ văn bản); GRE dùng để tuyển sinh sau ĐH và GMAT là kỳ thi cho học viên muốn thi vào chương trình cao học kinh tế.
Nghĩa là sẽ hình thành một trung tâm khảo thí mà hàng năm người học đến đó để đánh giá năng lực học tập. Một năm có thể thi nhiều lần, tùy theo các trường có thể lấy số điểm đánh giá năng lực để xét đầu vào, rồi kết hợp cụ thể từng yêu cầu của các trường đại học. Đó là công cụ đánh giá năng lực mà có thể đo đếm được, biết được năng lực đến đâu và đây sẽ là điều kiện cần. Nếu đạt điểm đó thấp quá thì không nên vào ĐH. Cách làm này vừa nhẹ nhàng mà không tạo ra một đại chiến dịch, lại vừa đánh giá được đúng năng lực.
PV: Xin cám ơn GS!

Theo Việt Anh
(ĐCSVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)