Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần công khai và dân chủ với học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, ngành giáo dục đã đi vào thực hiện chủ trương dân chủ hóa, công khai hóa về tất cả các mặt hoạt động của nhà trường. Song vấn đề công khai điểm số của học sinh trong quá trình dạy học, kiểm tra thì chưa thật sự thực hiện nghiêm túc, thậm chí có nơi chưa thực hiện. Biểu hiện cụ thể là còn có hiện tượng khi kiểm tra bài cũ, giáo viên không thông báo điểm cho lớp biết, giáo viên không ghi điểm số của kết quả kiểm tra vào vở học sinh, ấy là chưa kể có khi kiểm tra 1 tiết, 15 phút giáo viên lại quên không thông báo điểm cho học sinh.

Từ việc thiếu công khai, dân chủ về điểm số học sinh dẫn đến có em học tốt, trả bài tốt, làm bài tốt, có thực lực thực sự nhưng điểm chưa được cao, có khi còn không bằng điểm bạn có sức học yếu hơn mình. Nhiều học sinh trong quá trình học thì học rất tốt, được bạn bè nể phục song đến cuối học kì, cuối năm lại điểm thấp gây ngỡ ngàng và bức xúc không ít cho học sinh và cả phụ huynh. Việc không công khai điểm số học sinh thường rơi vào các giáo viên có “thâm niên” dạy thêm, hoặc giáo viên có “cảm tình” với học sinh, ở các giáo viên thiếu quan tâm đến giá trị của chất lượng từng điểm số mà mình ghi cho học sinh.

Việc thiếu công khai, dân chủ về chế độ cho điểm của giáo viên đối với học sinh đã ít nhiều làm lu mờ tính dân chủ trong nhà trường, cho thấy sự dân chủ, công khai của ngành chưa thực sự đi vào cuộc sống ở mỗi trường học, trong mỗi giáo viên. Việc này gây ức chế, bất bình không những ngay bản thân học sinh mà cả bậc phụ huynh, ít nhiều góp phần dẫn đến chất lượng “ảo” trong giáo dục cũng như làm giảm đi hình ảnh đẹp về người thầy, đi ngược lại chủ trương “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành.

Chính vì lẽ đó, không còn sớm nữa, ngành giáo dục cần cương quyết hơn trong việc thực hiện chủ trương dân chủ hóa, công khai hóa về điểm số của học sinh; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc làm này ở từng trường học, trong từng giáo viên. Có như thế mới góp phần làm trong sáng hơn về hình ảnh người thầy, trả lại độ chính xác của chất lượng giáo dục cũng như tạo đà nâng cao chất lượng giáo dục, tránh tình trạng chất lượng “ảo” trong học tập thi cử hiện nay.

Nguyễn Văn Tú

Bình luận (0)