Thay đổi cách dạy học đồng thời phải thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá học sinh (HS). Cần phải có chuyên gia giáo dục để định hướng cho giáo viên (GV), giúp GV phân biệt giữa STEM và thực hành thí nghiệm…
Nhiều GV rất thích thú trước các mô hình STEM của HS Trường THPT Trần Khai Nguyên |
Đó là những đề xuất được nhiều GV, nhà quản lý đưa ra trong buổi Sơ kết một năm thực hiện đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng giáo dục STEM, tổ chức ngày 16-5 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM). Hoạt động trên có sự tham dự của lãnh đạo và GV gần 20 trường THPT trên địa bàn Q.5, Q.10.
Nhìn lại quá trình một năm đưa phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, cô Nguyễn Thục Uyên (Tổ trưởng Tổ vật lý kỹ thuật của trường) cho rằng quá trình đó mới chỉ là sự tác động đến GV và HS để làm quen với những thay đổi. Các mô hình mới chỉ dừng lại ở mức mô phỏng. “Từ Ngày hội sáng tạo trẻ, Hội chợ khoa học, sinh hoạt CLB theo hướng STEM hay đến các tiết dạy học định hướng STEM… triển khai cho HS và GV trong trường thì vẫn chưa thật sự là STEM. Muốn chạm đến STEM thì còn phải đổi mới rất nhiều”, cô Uyên nói.
Theo thầy Đoàn Hạo Hà (Tổ phó Tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), STEM không phải là “gom nguyên nùi” các môn đưa vào mà môn nào phải ra môn đó. Một vấn đề STEM được xây dựng phải xuất phát từ thực tế, phải có một kế hoạch, giải pháp rõ ràng nhưng không quá đặt nặng vấn đề kỹ thuật. “Với STEM, điều quan trọng là sự đồng hành của GV với HS. Người GV phải nhìn nhận rõ vấn đề, xây dựng được một giải pháp. Điều này đòi hỏi người thầy phải hy sinh dữ dội”, thầy Hà bày tỏ.
Đồng quan điểm, thầy Dương Anh Quang (Tổ phó Tổ vật lý Trường THPT Nguyễn An Ninh) chia sẻ, STEM không phải là cứ kết hợp cả 4 môn S,T,E,M (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là tạo thành mà cốt lõi của giáo dục STEM là đặt vấn đề và đưa ra hướng giải quyết vấn đề. GV cũng không nên đặt nặng quá rằng STEM là phải tạo ra sản phẩm. Bởi có những vấn đề, việc tạo ra sản phẩm trong phạm vi nhà trường là xa vời, không thể.
Khẳng định giáo dục STEM chính là bước đầu của nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đứng từ góc độ quản lý, cô Phạm Thị Bé Hiền (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho rằng, nếu triển khai đại trà thì lại rất khó thực hiện vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực, sở thích, đam mê của HS. Bên cạnh đó, cô Hiền cũng đưa ra thực tế tại các trường khi triển khai giáo dục STEM, GV dù được tập huấn rất nhiều nhưng khi vận dụng lý thuyết vào bài giảng cụ thể thì vẫn còn loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa phân biệt được giáo dục STEM hay chỉ là thực hành thí nghiệm. Để phá vỡ “vòng luẩn quẩn” đó, theo cô Hiền, cần phải có chuyên gia giáo dục để định hướng cho GV rõ ràng hơn về giáo dục STEM. “Ngay như tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các thầy cô vẫn hoang mang, chưa dám chắc tiết học đó của mình đã đúng là giáo dục STEM. Sắp tới, trường sẽ mời chuyên gia về trường để định hướng cho GV”, cô Hiền chia sẻ.
Ví hoạt động giáo dục STEM của GV như “một người làm mà kéo cả xe đá theo”, cô Vũ Thị Kim Chung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng) cho biết hiện giáo dục STEM tại các trường phần nhiều mới chỉ là manh mún do thay đổi phương pháp dạy học nhưng cách kiểm tra, đánh giá HS lại chưa được thay đổi.
Sản phẩm sáng tạo từ STEM của HS Trường Trần Khai Nguyên Trong buổi sơ kết, các đại biểu đã tham quan khu giáo dục STEM của Trường THPT Trần Khai Nguyên. Tại đây, trước những mô hình sáng tạo của HS như thiệp phát nhạc, sân bóng mi ni, lốc xoáy của nước, xe lego điều khiển tự động, hệ thống chăm sóc cây tự động theo nồng độ dinh dưỡng…, nhiều đại biểu đã thật sự ngỡ ngàng. “Các em quá sáng tạo, từ kiến thức khô khan, rời rạc, các em đã cụ thể hóa ra những sản phẩm, gắn lý thuyết với thực tiễn cuộc sống. Chỉ dựa vào lực từ của nam châm mà các em đã tạo ra mô hình sân bóng mi ni ấn tượng thế này”, cô Phan Thị Thanh Huyền (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh) chia sẻ. Thành công với mô hình lốc xoáy nước, vừa phát sáng vừa phát nhạc, qua việc kết hợp kiến thức từ trường của nam châm và chênh lệch áp suất, hai em Ngô Gia Minh và Nguyễn Hữu Đức (lớp 11A1) cho biết cách học này rất thích thú, kiến thức trở nên sinh động, không nhàm chán. Hay từ những mảnh ghép lego vô hồn, đơn giản, bằng kiến thức điện, tin học, lập trình, em Nguyễn Võ Hữu Phúc (lớp 11A9) đã tạo ra mô hình xe lego điều khiển tự động, hệ thống bón phân tự động, hệ thống chăm sóc cây theo nồng độ dinh dưỡng… cực kỳ sinh động và sáng tạo. “Thay vì chỉ học lý thuyết trên lớp, bằng phương pháp giáo dục STEM, chúng em sẽ hiểu sâu được kiến thức hơn khi gắn với thực tế, giải quyết các vấn đề của thực tế”, Phúc cho biết. Tuy nhiên, Phúc cũng cho rằng, khó khăn khi thực hiện các mô hình này là nhu cầu thiết bị và hạn chế về mặt kiến thức chuyên môn.
|
Là trường đã áp dụng giáo dục STEM bài bản trong suốt một năm qua với nhiều hoạt động, trải nghiệm sáng tạo của HS, đồng thời có hẳn kế hoạch triển khai dài hơi trong vòng 5 năm tới, theo thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên), cái khó nhất của việc triển khai giáo dục STEM chính là con người. Cụ thể, kiến thức về tích hợp liên môn của GV còn hạn chế, trong khi GV lại kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Chương trình lại nặng về lý thuyết, HS còn hạn chế về kỹ năng thực hành…
Có chung nhận định trên, cô Nguyễn Thị Lan Hương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho biết hiện tại giáo dục STEM tại các trường còn gặp rất nhiều khó khăn như kinh phí thực hiện, sự gò bó, áp lực của chương trình. Muốn đầu tư cho một dự án STEM thì GV và HS phải tận dụng thời gian ngoài giờ học hoặc gom một số bài, một số nội dung có trong chương trình để dành thời gian cho hoạt động này. “Nên chăng đưa hẳn vào chương trình, dành cho giáo dục STEM một thời lượng xứng đáng. Bởi giáo dục STEM không chỉ phát huy được tính sáng tạo của HS, gắn môn học với thực tế, tạo sự thích thú cho các em mà còn giúp phân loại được HS theo từng hoạt động”, cô Hương đề xuất.
Quang Long
Bình luận (0)