Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần đánh giá hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm

Tạp Chí Giáo Dục

Một buổi học kỹ năng mềm của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM
Hiện nay các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM chưa có sự thống nhất trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Đó là nhận định của TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) trong đề án “Nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2013-2017”, thực hiện cùng chuyên viên Trần Từ Duy.
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, báo cáo từ các đơn vị cho thấy, hầu hết kỹ năng mềm mới chỉ dừng lại ở… tên gọi trong chuẩn đầu ra các chương trình giáo dục. Việc triển khai đào tạo kỹ năng mềm chủ yếu ở dạng phong trào, sinh hoạt Đoàn – hội mà chưa được quy đổi thành khối lượng kiến thức cần tích lũy trong chương trình giáo dục. Đặc biệt, thiếu đánh giá hiệu quả đào tạo và công nhận cho sinh viên.
Tại Trường ĐH Bách khoa, ngoài môn giao tiếp ngành nghề và một số buổi đào tạo kỹ năng mềm được tổ chức, thì nhìn chung hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các giảng viên giảng dạy kỹ năng giao tiếp ngành nghề chủ yếu là cán bộ chuyên môn của khoa, dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính.
Trong khi đó, chương trình đào tạo tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn được biên soạn, cập nhật phong phú, có lồng ghép kiến thức chuyên môn và ứng dụng nghiệp vụ vào thực tế. Khóa học được tổ chức theo quy trình chuẩn ban hành nội bộ, cơ sở vật chất đáp ứng đủ cho giảng dạy, có chính sách ưu đãi học phí cho sinh viên. Tuy nhiên, các khóa học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông sinh viên đang theo học tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM. Thời lượng chỉ đủ trang bị cho sinh viên kỹ năng cơ bản, chưa đủ để các em tham gia những tình huống thực tế.
Trước đây, sinh viên Trường ĐH Quốc tế có phần chưa hài lòng với chất lượng giảng viên và quy mô lớp đông. Trong khi đó, sinh viên có nhu cầu tăng thêm các lớp kỹ năng mềm. Một năm qua, các mặt hạn chế cũng đã dần được thay bằng những chuyển biến tích cực. Việc đào tạo kỹ năng mềm tại Trường ĐH Công nghệ thông tin hiện nay còn phụ thuộc vào chương trình giáo dục ở từng khoa, chưa có sự định hướng chung ở cấp trường. Từ năm học này trở đi, một số khoa sẽ đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo chính thức.
Chương trình đào tạo kỹ năng mềm tại Trường ĐH Kinh tế – Luật đa dạng nhưng còn mang tính tự nguyện, ngoại khóa, chưa có sự định hướng tổng thể từ phía trường. Số lượng các lớp học chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh viên.
Do đó, để tăng cường chất lượng hoạt động giảng dạy kỹ năng mềm trong sinh viên, TS. Lê Thị Thanh Mai cho rằng, ĐH Quốc gia TP.HCM cần quy định về khung kiến thức cho từng kỹ năng mềm. Các lớp học kỹ năng mềm cần có sự tương tác, kết hợp lý thuyết và thực hành, có tiêu chí đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cần ban hành quy chế về việc dạy và học kỹ năng mềm làm cơ sở cho các đơn vị thành viên triển khai thực hiện. Kỹ năng mềm còn cần phù hợp với từng đối tượng sinh viên.
Ngoài ra, theo TS. Lê Thị Thanh Mai, cần có sự phối hợp tổ chức các lớp kỹ năng mềm trong các trường thành viên để sinh viên có thể chọn được những lớp phù hợp thời gian và kế hoạch học tập. Bên cạnh việc phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, TS. Lê Thị Thanh Mai còn đặt vấn đề mở trung tâm đào tạo kỹ năng và cấp chứng chỉ trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM với một số chuẩn chung cho sinh viên các trường thành viên.
Bài, ảnh: M.Tâm
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận rằng, việc triển khai đào tạo kỹ năng mềm chủ yếu ở dạng phong trào, sinh hoạt Đoàn hội mà chưa được quy đổi thành khối lượng kiến thức cần được tích lũy trong chương trình giáo dục. Đặc biệt, thiếu đánh giá hiệu quả đào tạo và công nhận cho sinh viên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)