Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần đánh giá khách quan dạy và học môn sử

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Ngô Thị Hiền Thúy
Thời gian qua, dư luận lên tiếng nhiều về điểm thi môn sử kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay. Có nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, quan ngại về vấn đề dạy và học sử trong trường phổ thông hiện nay. Là giáo viên đứng lớp đã 17 năm gắn bó với môn sử, cô Ngô Thị Hiền Thúy, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có những trăn trở, băn khoăn trước những đánh giá với môn học của mình.
PV: So với năm 2010, đề thi năm nay có nhiều nét mới. Theo cô, với cách ra đề này, học sinh phổ thông có nắm được vấn đề không?
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã triển khai cho học sinh (HS) học theo ma trận đề. Trong ma trận đề có nhiều mức độ: mức độ thứ nhất là biết, mức độ thứ hai là hiểu, mức độ thứ ba là vận dụng. Chúng tôi phải ôn luyện cho HS theo ba mức độ này. Nếu đề thi không phù hợp với ma trận đề, không chuẩn với kiến thức kỹ năng thì HS sẽ không làm được.
Tôi cho rằng điểm thi môn sử năm nay thấp không phải là vấn đề của tư duy. Cách ra đề năm nay như trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều đó là đề mập mờ, không rõ ràng, gài bẫy HS khiến HS hiểu nhiều cách khác nhau. Đáp án cũng có nhiều “sạn”. Vì thế hầu hết thí sinh (TS) chỉ làm được hai câu. Tôi là người đi chấm thi, năm nay tôi thấy chấm thi rất nhanh. Chỉ phải chấm mỗi hai câu. Hai câu còn lại TS đều sai đáp án nên điểm dưới trung bình nhiều. Với một đề thi mà đa số HS thi ĐH dưới điểm trung bình như thế thì cần phải xem xét.
Có một số ý kiến cho rằng do chất lượng dạy và học nên bài thi mới thảm hại như vậy. Tôi cho rằng cách nói này không được khách quan. Nếu nói như thế là phủ nhận tất cả cố gắng của cả thầy và trò trong việc dạy và học. Trong 17 năm gắn bó với môn sử, tôi thấy rằng từ khi môn sử đưa vào thi tốt nghiệp, ý thức của HS nâng lên rất nhiều, giáo viên cũng chú trọng với môn dạy của mình hơn. Theo tôi, chất lượng dạy và học môn sử đang lên và ngày càng tiến triển.
Có một câu rất đơn giản trong đề, đó là nguyên nhân đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, theo cô, trong phổ thông, có bao giờ các cô dùng cụm từ nguyên nhân không?
Không. Nguyên nhân thường nói đến thắng lợi, thất bại, thành công. Chỉ có bối cảnh, hoàn cảnh ra đi tìm đường cứu nước. Do vậy, khi làm bài TS đưa ra rất nhiều nguyên nhân, là do Bác có tham vọng, do đất nước cực khổ đói nghèo Bác phải ra đi…
Có nhiều người cho rằng nếu HS học chắc vẫn làm tốt câu này. Như vậy theo cô đây là trình độ của HS phổ thông chưa tới tầm hay do cách tư duy chưa ổn?
Tôi cho rằng do cách ra đề chưa chuẩn xác. Nếu cứ hỏi thẳng hoàn cảnh thì đâu có vấn đề gì mà cũng phù hợp với thực tế học tập của HS. Còn nếu hỏi nguyên nhân, HS sẽ thiên về tìm hiểu nguyên nhân, trong khi đó, đáp án lại chính là bối cảnh. Do đó TS không được điểm tối đa môn này.
Cũng có nhiều người cho rằng do sách giáo khoa (SGK) hiện nay không ổn nên mới dẫn đến hiện tượng này, cô nghĩ sao?
Thực ra SGK là cơ sở pháp lý. Dạy và học giáo viên phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và chương trình SGK. Chương trình SGK cũng có một số bất cập nhưng không phải vì bất cập đó mà nó làm chất lượng môn sử yếu kém. Thực ra không phải chỉ môn sử bị “kêu” về chương trình SGK, môn khác cũng bị kêu nhưng chất lượng vẫn cao hơn môn sử. Tôi lấy ví dụ chỉ trong khối C, môn văn được đầu tư, coi trọng hơn rất nhiều. Như hệ số được nhân đôi khi thi. Hơn nữa, môn này dễ đi vào lòng người hơn. Môn địa thì gắn với thực tiễn, tự nhiên và xã hội. Nên dễ dàng hơn với HS.
Xu hướng của TS là chọn các khối A, D nhiều hơn. Xu hướng này ở Trường Trần Phú như thế nào?
Cả trường chỉ có khoảng 10 TS đầu tư đi thi khối C.
Để HS học tốt môn sử, ngoài SGK, giáo viên còn cần gì nữa không?
Tôi nghĩ rằng cần bổ sung tư liệu. Hơn nữa, phải theo quan niệm xã hội. Ý thức của mọi người đối với môn học này như thế nào? Theo tôi, bộ môn này có một đặc điểm là không nhìn thấy lợi ích trước mắt nhưng nó có giá trị lâu dài. Tôi nghĩ nếu môn sử mà nhân hệ số 2 như môn văn thì ý thức học của HS sẽ khác. Hoặc nó là môn thi bắt buộc vào những trường ĐH danh tiếng thì chắc chắn TS sẽ hứng thú học hơn.
Thời lượng HS của trường học sử như thế nào trong một tuần, thưa cô?
Học sinh lớp 12 học 1,5 tiết/tuần, lớp 11 học 1 tiết/tuần, lớp 10 học 1,5 tiết/tuần.
Suy nghĩ của cô trước đánh giá chất lượng môn sử hiện nay?
Tôi đã nói từ đầu, đánh giá như vậy là chủ quan. Chúng tôi là giáo viên, cả HS nữa thấy rằng công lao cố gắng của mình bị phủ nhận.
Trong 10 TS chọn khối C, cô thấy rằng các em vào đây là đam mê hay không còn con đường lựa chọn nào khác?
Tại sao người ta nói điểm sử nhiều điểm 0? Vì không phải em nào vào khối C cũng là những em có năng lực thực sự, có đam mê, không phải TS nào cũng quyết tâm vào khối này. Nhiều em đường cùng mới vào khối C. Nhiều em ngớ ngẩn trong khi làm bài là không có gì lạ.
Thời gian gần đây Bộ GD-ĐT có chủ trương cải tiến đề thi, trong đó, các môn xã hội sẽ ra theo hướng mở. Ý kiến của cô về vấn đề này?
Theo tôi đề thi mở là cần thiết. Đối với môn sử, các sự kiện không thể thay đổi nhưng vẫn có thể mở. Tôi lấy ví dụ như đề thi năm nay, trong câu I nói về nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thì vế hai có thể mở từ sự ra đi này, em có cảm nghĩ, suy nghĩ gì? Như vậy vẫn có thể mở trong đề môn sử nhưng không phải mở hết mà chỉ mở một phần theo ma trận của đề thi.
Là một giáo viên gắn bó với nghề đã lâu, theo cô, để HS học tốt môn sử cần có những giải pháp như thế nào?
Theo tôi có những biện pháp như: Làm thế nào để giáo dục cho HS và kể cả các lực lượng xã hội khác có thái độ nghiêm túc đối với môn sử. Thứ hai là tổ chức thi tốt nghiệp thường xuyên. Kinh nghiệm của tôi cho thấy năm nào thi tốt nghiệp THPT có môn sử thì năm đó thi ĐH môn sử điểm sẽ cao. Khâu kiểm tra đánh giá cũng phải phù hợp thực tiễn dạy và học. Phải tuân thủ chương trình mà Bộ GD-ĐT đã triển khai. Học và kiểm tra đánh giá phải đồng bộ. Tinh giản nội dung chương trình SGK.
Xin cảm ơn cô!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Chất lượng môn sử năm nay thấp mà đổ lỗi cho dạy và học là tôi không đồng tình. Vì dạy học là cả một quá trình, chất lượng một năm giảm sút là không đúng quy luật.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)