TP.HCM đạt nhiều thành tựu về chuyển đổi số (CĐS) trong năm 2024 bao gồm cả việc ra mắt ứng dụng “Công dân số TP.HCM”. Điều đó cho thấy, TP.HCM tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Bên thềm xuân Ất Tỵ 2025, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã có cuộc nói chuyện với bà Võ Thị Trung Trinh – Giám đốc Trung tâm CĐS TP.HCM về những thành tựu CĐS tại TP trong thời gian qua.
+ Phóng viên: Thời gian qua TP.HCM đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong CĐS. Với vai trò là Trung tâm CĐS TP.HCM, bà nhìn nhận gì về tình hình CĐS trên địa bàn TP trong năm 2024?
– Bà Võ Thị Trung Trinh: Đúng vậy! Công tác CĐS của TP.HCM trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động CĐS. Tất cả được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
+ Xin bà thông tin thêm về một số thành tựu nổi bật của CĐS trên địa bàn TP, đặc biệt là trong năm 2024?
– Từ kết quả CĐS của các ngành, các lĩnh vực, TP.HCM đã ứng dụng hiệu quả định danh điện tử VNeID vào hoạt động chính quyền số và phát triển những ứng dụng của xã hội số. Ở dịch vụ hành chính công, VNeID đã thay thế hiệu quả những giấy tờ giấy như căn cước công dân, hộ khẩu… để thực hiện dịch vụ hành chính công của TP, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí. Có thể thấy hành chính công có những bước tiến đáng kể khi TP dần dần thay thế văn bản giấy bằng văn bản điện tử; tiến hành các thủ tục liên thông theo hướng một cổng duy nhất. Giữa tháng 11-2024, TP đã đưa vào vận hành app “Công dân số TP.HCM” kết nối chính quyền và người dân. Ứng dụng này hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, nộp hồ sơ và thực hiện các giao dịch hành chính dễ dàng. Người dân có thể tra cứu thủ tục, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ. Tính năng này tiếp tục được cập nhật để người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến. App “Công dân số TP.HCM” còn hiển thị thông báo mỗi khi có kết quả giải quyết phản ánh, giải quyết hồ sơ, hoặc có diễn tiến mới trong quá trình giải quyết, có thông báo “nóng” khẩn cấp từ cơ quan chức năng. Thông qua ứng dụng “Công dân số TP.HCM”, chính quyền TP mong muốn chỉ bằng tương tác một chạm là có thể giao tiếp trực tuyến 2 chiều nhanh chóng, hiệu quả giữa chính quyền với người dân và ngược lại. Với ứng dụng này, TP tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
+ Thưa bà, trong các lĩnh vực thì lĩnh vực nào có hoạt động CĐS nổi bật?
– Các lĩnh vực đều có những điểm nổi bật riêng trong CĐS. Về dịch vụ hành chính công thì tôi đã nói ở trên. Còn lĩnh vực y tế, CĐS giúp người dân dễ dàng đặt lịch khám, tra cứu hồ sơ sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế từ xa. Trong giáo dục, học sinh và phụ huynh có thể tiếp cận các nền tảng học tập trực tuyến, tra cứu điểm số và thông tin học tập… Nói chung, CĐS tại TP.HCM đã mang đến những lợi ích to lớn, không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu.
+ Theo bà, việc CĐS trên địa bàn TP hiện nay gặp những thuận lợi, khó khăn gì? TP cần có những chính sách, chiến lược gì để cải thiện?
– Lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác CĐS. Công tác này đã triển khai trong nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục và đặc biệt là các dịch vụ hành chính công. Bên cạnh đó, sự chủ động của các sở, ngành, quận, huyện trong nỗ lực chuyển đổi hoạt động của đơn vị lên môi trường số đã góp phần tạo nên nguồn lực thúc đẩy CĐS của TP. Tuy nhiên, công tác CĐS của TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng số, nhân lực số và thể chế số. Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TP cần hoàn thiện hạ tầng số để đáp ứng cho nhu cầu CĐS của TP, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển đô thị thông minh. Kỹ năng số của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần phải được đầu tư nhiều để đủ nguồn lực thực hiện CĐS. Bên cạnh đó, kỹ năng số cho người dân cũng cần được quan tâm để có những chương trình đào tạo phù hợp.
Ngoài ra, CĐS rất cần những quy định để dễ dàng thực thi trên môi trường số. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện các văn bản quy phạm để thực hiện, ví dụ quy định xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thay thế cho việc cung cấp các giấy tờ, hoặc các thủ tục liên thông trên môi trường số giúp việc thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh và tiện lợi hơn.
+ Bà có những kiến nghị, đề xuất gì cho việc CĐS trên địa bàn TP trong thời gian tới?
– Công tác CĐS trong thời gian trong năm 2025 cần tập trung để hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ngành, quận, huyện. Đây là điều kiện rất cần để thành phố chuyển đổi hoạt động của chính quyền lên môi trường số. Đồng thời, tạo lập và sử dụng hiệu quả dữ liệu vào hoạt động của các đơn vị tại thành phố theo Chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố sẽ tạo ra nguồn dữ liệu để trở thành tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất. CĐS là một quá trình nên việc ban hành kế hoạch CĐS của ngành, của đơn vị cần có tầm nhìn trong 5-10 năm. Hiện thực các kế hoạch dài hạn với những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Để từ đó việc đầu tư cho CĐS không bị dàn trải, không bị trùng lắp sẽ góp phần tạo nên giá trị thực sự của CĐS là chuyển đổi một cách tổng thể và toàn diện.
+ Xin cảm ơn bà Võ Thị Trung Trinh!
Hồ Trinh (thực hiện)
Bình luận (0)