Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần dạy cách dùng từ tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Một hôm, con gái đang học lớp 4 về kể tôi nghe chuyện trên lớp: “Con đọc bài tập đọc về “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, thấy trong sách ghi là ông kêu mọi người “Người ta đi tàu ta”, nhưng cô giáo sửa lại là “Người ta đi thuyền ta”, con không biết có đúng không?”.

Chuyện về Bạch Thái Bưởi không hiếm, doanh nhân nổi tiếng này khi kinh doanh tàu khách đã cho dán mỗi tàu dòng chữ “Người ta đi tàu ta” nhằm cổ súy người Việt đi tàu của người Việt thay vì đi tàu của người Khách (người Hoa), người Tây (người Pháp). Tôi cẩn thận tra trên internet, câu “Người ta đi tàu ta” thấy có trong một số trích dẫn, còn “Người ta đi thuyền ta” thì không thấy.

Sử dụng từ ngữ còn nhầm lẫn, tùy tiện

Ở đây có vấn đề về cách dùng từ, nhất là những từ gần nghĩa, đồng nghĩa, từ địa phương và từ phổ thông. Trên thực tế, việc dùng những từ này còn nhầm lẫn hoặc tùy tiện, thậm chí ít nhiều có tính cục bộ địa phương. Thí dụ, phân biệt giữa ao và hồ, ao và đìa, kênh và rạch, mang và nê, mang và xách, bổ và bửa, chặt và cắt… có khi cũng không dễ dàng và vì thế đôi lúc cũng có thiếu chính xác. Chẳng hạn, ao là chỗ đào sâu xuống đất để giữ nước nuôi cá, thả bèo, trồng rau…, còn đìa (từ của Nam bộ) cũng là chỗ trũng nhưng có khi được đào hoặc trũng tự nhiên và để cá vào ở tự nhiên, chứ không nuôi; kênh là công trình dẫn nước đào đắp hoặc xây trên mặt đất, phục vụ thủy lợi, giao thông (trong Nam gọi là “kinh”), còn rạch là dòng nước nhỏ dẫn nước từ ruộng ra sông ngòi, thường do dòng chảy tự nhiên mà thành…

Một tiết học luyện từ và câu của học sinh tiểu học. Ảnh: N.Trinh

Trong sách giáo khoa, đôi lúc còn bị phản ánh là sử dụng một số từ không phù hợp vùng miền (chẳng hạn những từ “thổi xôi”, “nông choèn” đã được dư luận phản ánh). Cũng vì còn nhập nhằng, nhầm lẫn, dùng chung giữa nhiều từ gần hoặc cùng nghĩa, nên việc dùng lẫn lộn giữa “tàu” và “thuyền” có thể giải thích được, nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng này thường xuyên.

Từ đây, ngành giáo dục cũng nên xem xét việc viết sách giáo khoa riêng cho từng vùng miền, trên cơ sở một “khung” chương trình chung, bởi kể cả những từ phổ thông nhưng ở một số vùng miền, khu vực nào đó hiếm dùng đến mà để cho học sinh học cũng là không hay. Bên cạnh đó, việc sử dụng từ ngữ của giáo viên phải chính xác và phù hợp với ngôn ngữ chung của học sinh ở khu vực đó; nếu có dùng từ, tiếng khác thì phải giải thích rõ ràng.

Dạy trẻ học đúng từ ngữ chỉ hiện tượng, sự vật

Việc sử dụng từ ngữ của giáo viên phải chính xác và phù hợp với ngôn ngữ chung của học sinh ở khu vực đó.

Vốn từ của trẻ ở độ tuổi tiểu học chưa nhiều nên cần được dạy chính xác để học đúng những từ ngữ chỉ các hiện tượng, sự vật. Khi lớn lên một chút thì có thể tự các em tìm hiểu và thấy nên dùng từ nào cho phù hợp. Trong việc này, vai trò của giáo viên là rất quan trọng, bởi không chỉ trực tiếp nói, truyền đạt mà còn định hướng suy nghĩ, tìm hiểu cho học sinh nên bản thân giáo viên phải hết sức chú ý.

Cũng vì dạy trẻ phải hiểu, dùng từ chính xác nên cần phải mở rộng những từ đồng nghĩa, gần nghĩa cho trẻ hiểu, đồng thời phân tích sự khác nhau, cách dùng, giá trị biểu cảm… Chẳng hạn, với từ có nghĩa là “chết” thì nhà nghiên cứu Bằng Giang đã liệt kê ra được 1.001 cách diễn đạt và dùng từ có cùng nghĩa, nhưng dĩ nhiên sắc thái của mỗi từ, mỗi cách diễn đạt hoàn toàn khác nhau. Chết, từ trần, qua đời, bỏ mạng, hy sinh, ngủm, đai, lìa trần, đi bán muối, về miền âm cảnh, tử vong, tử nạn, xong đời, khuất núi, khuất bóng, đi xa, về với tổ tiên…, tuy cùng có nghĩa là chết nhưng không thể dùng lẫn lộn mà phải phù hợp cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Nếu không chủ động dạy cho trẻ biết và học những cách dùng từ như vậy sẽ khó tránh việc trẻ dùng nhầm và từ đó cũng khó góp phần giáo dục ý thức gìn giữ sự đa dạng, phong phú và trong sáng của tiếng Việt.

Nguyễn Minh Tâm

Tàu và thuyền không thể dùng thay cho nhau

Tôi dò trong từ điển để giải thích cho con sự khác nhau giữa “tàu” và “thuyền” như sau: “Tàu” là tên gọi chung các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc phức tạp; “thuyền” là phương tiện giao thông trên mặt nước, thường nhỏ và thô sơ… Theo đó, tàu và thuyền khác nhau cơ bản về quy mô (sức chở) và tính tiên tiến, hiện đại. Do đó, tàu và thuyền không thể dùng thay cho nhau được.

 

Bình luận (0)