Nhà trường và gia đình cần chỉ dẫn cho trẻ đặc điểm sinh lý của con người. Ảnh: T.Tri
|
Hiện nay qua phim ảnh, truyền hình, sách báo, mạng thông tin… học sinh (HS) tiểu học cũng lờ mờ biết về giới tính nên đã có những lời nói chưa hay trước đám đông và có những hành động sai lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc lệch lạc về giới tính.
Cha mẹ và người lớn thường cho rằng con nít không cần biết hay khi muốn cho các em biết cũng không biết dùng lời lẽ thế nào cho phù hợp.
Giáo viên né tránh chương trình
Thực tế hiện nay, trẻ em dậy thì sớm, rất nhiều em gái mới học lớp 4, lớp 5 đã dậy thì. Do đó, có nhiều chuyện bất ngờ xảy ra ngay tại lớp học làm giáo viên lúng túng không biết xử lý thế nào, nhất là giáo viên trẻ hoặc giáo viên còn độc thân.
Trong chương trình khoa học ở lớp 5, ngay chương đầu tiên: Con người và sức khỏe đã có một số bài liên quan đến giới tính. Tuy nhiên, nội dung phần giáo dục giới tính chỉ lướt qua, trong khi đó lại nói đến sức khỏe sinh sản khá nhiều, không phù hợp với lứa tuổi tiểu học, càng làm các em thêm tò mò như “Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?”, “Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe?”… Và khi dạy bài “Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào?”, nhiều câu hỏi của HS làm thầy cô khó trả lời như: “Khi nào thì trứng của mẹ kết hợp với tinh trùng của bố? kết hợp ở đâu?”, “Tinh trùng của bố gặp trứng của mẹ ở đâu?”… Khi dạy những bài này, giáo viên không vững kiến thức, không bản lĩnh thường dạy lướt qua. Thậm chí có giáo viên không dạy mà cho HS về nhà tự đọc, càng làm các em thêm mù mờ. Trong khi đó ở bài “Phòng tránh bị xâm hại”, đáng lẽ ra đây là bài có nội dung rất quan trọng đối với HS tiểu học thì chỉ cung cấp cho các em một số điểm cần lưu ý để phòng tránh bị xâm hại và xử lý thế nào khi bị xâm hại. Cụ thể, chỉ nói bị xâm hại mà không hề nêu rõ là trẻ em có thể bị xâm hại tình dục. Không chỉ cho HS những đối tượng muốn xâm hại tình dục trẻ em có những hành vi, lời nói… đáng ngờ ra sao.
Dạy thế nào cho hiệu quả
Theo tôi, ở bậc tiểu học cần dạy HS về sự phát triển của cơ thể từ sơ sinh đến tuổi dậy thì, cách giữ gìn vệ sinh cơ thể nhất là ở tuổi dậy thì. Nếu có điều kiện nên dạy nữ riêng, nam riêng vì ở tiểu học hiếm có HS nam dậy thì. Ngoài ra cần dạy các em gái ý tứ, kín đáo ra sao nhất là khi có kinh nguyệt; dạy các em cách sử dụng băng vệ sinh… Đối với HS nam thì cần dạy các em biết về vệ sinh bộ phận sinh dục của mình ra sao, khi có những biểu hiện bất thường ở bộ phận sinh dục cần báo cho người lớn biết (bởi hiện nay trẻ trai thường bị xoắn tinh hoàn phát hiện trễ dẫn đến nguy hiểm, hẹp da quy đầu không biết giữ vệ sinh dẫn đến nhiễm trùng là khá nhiều). Cho các em biết các biểu hiện dậy thì của con trai thế nào; phải biết tế nhị, lịch sự với bạn gái nhất là khi biết bạn gái đang dậy thì… Dạy cho tất cả các em biết rõ về đồng tính luyến ái, về những người bệnh hoạn thích quan hệ tình dục với trẻ em. Cho các em biết rõ mình có thể bị xâm hại về tình dục ở nhiều đối tượng lạ cũng như quen. Cần cảnh giác đề phòng khi gặp những người có những cử chỉ khác thường như ôm ấp, sờ soạng, hôn hít quá mức hay luôn muốn chạm vào bộ phận sinh dục của mình… Dạy trẻ cách xử lý khi gặp tình huống có nguy cơ bị lạm dụng như la lớn, cắn hay đánh đối tượng xâm hại, bỏ chạy… và nên báo ngay cho người lớn mà mình tin tưởng khi gặp những đối tượng đó. Rất tiếc là nội dung bài học ở tiểu học không cung cấp cho HS những điều cần thiết này và giáo viên cũng chưa được hướng dẫn rõ cách dạy các bài có liên quan về giới tính như thế nào để đạt hiệu quả cao.
Nhà trường cũng cần có những buổi trao đổi với phụ huynh về việc giáo dục giới tính cho HS tiểu học. Dạy trẻ về giới tính chính là góp phần lớn trong việc bảo vệ con em mình tránh bị lạm dụng tình dục cũng như giúp các cháu phát triển giới tính một cách tốt nhất, tự nhiên nhất.
Lê Phương Trí
Cha mẹ và thầy cô không nên tránh né khi các em hỏi về giới tính, bởi khi hỏi là các em đã biết mơ hồ từ đâu đó. Nói thẳng nói thật khi các em hỏi để tạo lòng tin, là dịp để cha mẹ tìm hiểu con em mình biết những điều ấy từ đâu…
|
Bình luận (0)