Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần dạy học sinh kỹ năng giao tiếp

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia quản lý giáo dục và cả doanh nghiệp đều cho rằng trong thời đại công nghệ phát triển, kỹ năng mềm, đặc biệt là giao tiếp, cần thiết giúp người trẻ tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Kỹ năng giao tiếp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, trong đó có làm việc nhóm. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH RMIT tham gia thảo luận thiết kế cánh tay robot cho người khuyết tật /// ẢNH: NGUYÊN TRANG
Kỹ năng giao tiếp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, trong đó có làm việc nhóm. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH RMIT tham gia thảo luận thiết kế cánh tay robot cho người khuyết tật. ẢNH: NGUYÊN TRANG
Chương trình học không đủ trang bị cho học sinh
Trong một chương trình nói về kỹ năng mềm do Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức vào tuần qua, thạc sĩ quản lý giáo dục Jasmyne Channel, Giám đốc phụ trách đời sống Trường ĐH Ohio (Mỹ), chia sẻ: “Theo báo cáo của McKinsey vào tháng 1.2018, có đến 65% trẻ em vào tiểu học hiện nay sẽ đối mặt với những công việc hoàn toàn mới khi lớn lên. Chương trình học hiện tại sẽ không trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cho học sinh”.

Những người nào giỏi kỹ năng cứng đồng thời có kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng giao tiếp tốt, thường tiến rất nhanh trong sự nghiệp
Dương Thế Vinh, CEO Công ty TNHH công nghệ Cititech
Thạc sĩ Jasmyne Channel chỉ ra khoảng 1/3 nhóm kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc trong thời điểm này sẽ hoàn toàn thay đổi trong năm 2020. Đến năm 2030, những công việc yêu cầu nhóm kỹ năng về thể chất và chân tay giảm 14%. Kỹ năng nhận thức cơ bản như đọc viết, tính toán căn bản, nhập liệu xử lý… giảm 15%. Nhóm kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, đưa ra quyết định tăng 8%. Nhóm kỹ năng xã hội và cảm xúc như đồng cảm, giao tiếp, lãnh đạo… tăng 24%.
“Hiện nay và cả trong tương lai, kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng góp phần cho sự thành công trong học tập và trong công việc của người trẻ”, thạc sĩ Jasmyne Channel nhấn mạnh.
Học cách nói như thế nào?
Kỹ năng cứng là kiến thức thu nạp từ sách vở, trường học, kiến thức chuyên ngành như y học, luật, kỹ thuật… Kỹ năng mềm có thể học không qua trường lớp, người trẻ học trong quá trình làm việc, tham gia câu lạc bộ… Vì vậy, bà Jasmyne Channel chia sẻ: “Nhóm kỹ năng mềm bao gồm nhiều nhóm giao tiếp, sáng tạo, tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… nhưng cần chú trọng nhất là kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh. Từ kết bạn, trao đổi với giáo viên trong trường, làm việc với sếp, kết nối trong gia đình… đều cần phải biết cách giao tiếp. Ở đây các bạn phải hiểu giao tiếp không đồng nghĩa với chuyện biết nói mà là cách nói như thế nào, cách truyền đạt, cảm xúc thể hiện trong giao tiếp… Chẳng hạn muốn đạt kết quả tốt trong nghiên cứu khoa học, sinh viên phải biết cách trao đổi với giáo sư để đi đúng hướng của đề tài. Biết cách trao đổi với mọi người khi làm khảo sát, phỏng vấn, lấy thông tin… khai thác đúng vấn đề”.
Kỹ năng mềm cũng là kỹ năng quan trọng trong quá trình làm việc. Anh Dương Thế Vinh, CEO Công ty TNHH công nghệ Cititech (Q.1, TP.HCM), nhận định: “Theo quan sát của tôi, ở lĩnh vực công nghệ thông tin, những người nào giỏi kỹ năng cứng đồng thời có kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng giao tiếp tốt, thường tiến rất nhanh trong sự nghiệp. Người giỏi nghề thì suốt đời vẫn là kỹ sư công nghệ. Nhưng nếu chú ý về kỹ năng giao tiếp, biết cách thuyết phục khách hàng, có kỹ năng lãnh đạo… thì khả năng mở rộng công việc dễ hơn. Họ có thể làm trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng kỹ thuật, nếu có “máu” kinh doanh thì có thể khởi nghiệp và trở thành nhà sáng lập công ty công nghệ”.
Phụ huynh cần chuẩn bị cho con cách thích ứng
Nhận xét về tương lai việc làm ở ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ông Ian Lee, Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương Tập đoàn Adecco, chia sẻ: “Thay đổi là điều tất yếu trong tương lai, chúng ta khó có thể dự đoán công việc nào mới sẽ xuất hiện hay biến mất trong vòng 10 năm tới. Do đó, phụ huynh cần chuẩn bị cho con cách thích ứng với biến đổi. Và phụ huynh cần có tư duy mới khi đầu tư vào giáo dục cho các em, tập trung vào khoa học, công nghệ và kỹ năng mềm, vì nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm hay quan niệm cũ thì thế hệ tương lai sẽ thiếu hụt kỹ năng cần thiết cho giai đoạn phát triển mới”.
Ông Andree Mangels, Giám đốc điều hành Adecco VN, nhận xét: “Nhân lực VN dù rất chăm chỉ và có tinh thần khởi nghiệp nhưng chưa sẵn sàng cho công nghiệp 4.0. Lúc bấy giờ trí tuệ nhân tạo (AI)/tự động hóa sẽ thay thế công việc mang tính lặp lại, nhu cầu về kỹ thuật, kỹ năng nhận thức cấp cao, xã hội và cảm xúc sẽ tăng cao. Vì vậy, lao động VN cần chủ động trong việc tự đào tạo lại và tự nâng cao kỹ năng của bản thân”.

Theo Nguyên Trang/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)