Đó là chia sẻ của chuyên gia tại tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vào sáng 27-11 tại TP.HCM.
Nhà báo Hà Ánh Bình – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, kỷ nguyên số đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của Việt Nam cũng như toàn cầu.
Đặc biệt, nền kinh tế số đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cốt lõi, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề an toàn thông tin – yếu tố then chốt trong sự bền vững của chuyển đổi số.
Những sự cố an ninh mạng, từ các cuộc tấn công có tổ chức đến những lỗ hổng trong việc quản lý thông tin, đang đặt ra nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn với các cơ quan Nhà nước, thậm chí là an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thông tin và dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội.
Tọa đàm là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những ý tưởng sáng tạo, cũng như thảo luận về các chính sách, giải pháp thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số.
“Thông qua sự kiện này, mọi người sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc và những công cụ hữu ích, những góc nhìn đa chiều để từng bước hoàn thiện hành lang bảo vệ an toàn thông tin, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam”, ông Bình chia sẻ.
Theo GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong tương lai, an ninh mạng toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đặc biệt khi công nghệ 5G và IoT được triển khai rộng rãi, mở ra các lỗ hổng bảo mật mới.
Để đối phó, các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào công nghệ bảo mật tiên tiến, nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.
Đặc biệt GS.TS Vinh lưu ý, cần nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng an ninh mạng. Đào tạo nâng cao nhận thức an ninh mạng là hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa bảo mật trong tổ chức.
“Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với vai trò của từng cá nhân, bao gồm cả việc nhận diện các nguy cơ như lừa đảo, tấn công phi kỹ thuật, và cách ứng phó. Ngoài ra, lực lượng chuyên biệt bảo vệ an ninh mạng cần được thành lập và huấn luyện với các kỹ năng chuyên sâu nhằm sẵn sàng ứng phó với các sự cố nghiêm trọng”, GS.TS Vinh đóng góp ý kiến.
TS.Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, hiện nay quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật khác, nhưng còn thiếu quy định về quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba.
“Cần một đạo luật về vấn đề này, chứ không chỉ là văn bản dưới luật. Tôi cho rằng yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng, ban hành “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” nhằm tạo khung pháp lý để bảo đảm việc bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý triệt để các vi phạm”, TS. Hồng nói.
Theo TS. Nguyễn Phương Thảo (Trưởng bộ môn Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng. Trước mắt, cần thiết bổ sung vào Nghị định 13/2023 (sắp tới là Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân) trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng.
“Xác định hành vi xâm phạm đặc thù của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không chỉ là hành vi trực tiếp xâm phạm dữ liệu cá nhân mà còn là hành vi gián tiếp. Đặc biệt cần xác định các biện pháp chế tài cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian”, TS. Thảo góp ý.
Theo ông Trương Đức Lượng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP An ninh mạng Việt Nam) để đảm bảo an toàn thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp bao gồm nhiều giải pháp cần thiết. Về mặt công nghệ, doanh nghiệp cần tự trang bị: tường lửa, endpoint; Thiết lập trung tâm giám sát và đánh giá bảo mật thường xuyên. Đồng thời, hoạt động tập huấn cũng cần diễn tập định kỳ, hoạt động nhân sự ngoài thuê còn cần đào tạo nhân sự tại chỗ theo các chứng chỉ quốc tế.
Hồ Trinh
Bình luận (0)