Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng hoàn tất Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 từ tiểu học đến THPT đã được triển khai trên toàn quốc.
Nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025
Điểm khác biệt lớn nhất dễ nhận thấy của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT 2006 là với phương châm lấy học sinh là trung tâm, chương trình đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Tinh thần của chương trình mới là dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Cụ thể, đối với môn ngữ văn – môn kiểm tra/thi tự luận duy nhất – học sinh cần vận dụng được những kiến thức đã học để giải quyết các ngữ liệu hoàn toàn mới, nhằm khắc phục những hạn chế trước đây của chương trình cũ là dạy học thụ động, tái hiện kiến thức, dẫn đến tình trạng học sinh học vẹt, học tủ và chép văn mẫu vốn tồn tại trong dạy học bộ môn ngữ văn từ lâu nay.
Nhằm triển khai hoạt động dạy và học đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Nội dung yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy, kiểm tra và đánh giá học sinh; đặc biệt “đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Đây không phải là yêu cầu mới, từ 2 năm trước Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông, nêu rõ: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối bậc học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh…”.
Học sinh còn gặp khó khăn về môn ngữ văn
Chương trình GDPT 2018 nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực đặc thù của bộ môn ngữ văn như năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học với các kỹ năng giao tiếp cơ bản: đọc – viết – nói – nghe. Từ đó, dạy văn theo chương trình mới, giáo viên không chú trọng bình giảng như trước mà lưu ý dạy cho học sinh cách tiếp cận các thể loại văn học. Nhìn chung, mặt tích cực của việc thay đổi phương pháp dạy và học môn ngữ văn, sử dụng ngữ liệu bên ngoài SGK để ra đề thi sẽ giúp học sinh hoàn toàn thoát ly cách dạy học thụ động, thoát ly văn mẫu, tăng cường năng lực tư duy logic, hướng tới nhiều kiểu/loại văn bản, tăng cường năng lực giao tiếp và ngôn ngữ cho học sinh.
Trước nay, theo chương trình cũ, không ít học sinh thường học môn ngữ văn với tâm thế “học để thi”, học thuộc lòng, phụ thuộc vào văn mẫu với một số tác phẩm, tác giả cụ thể trong SGK đã được rút gọn, hạn chế nội dung. Cho nên khi chuyển sang đổi mới cách dạy học và đánh giá theo chương trình mới, không ít học sinh cảm thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ. Nhiều học sinh vẫn còn quen với cách học/thi (kiểm tra) cũ, nên đã gặp nhiều khó khăn khi bước đầu làm quen cách học/thi theo chương trình mới.
Với ngữ liệu đề thi ngữ văn là văn bản hoàn toàn mới, học sinh còn gặp một số khó khăn khác, như văn bản trong đề bài (gồm các thể loại: thơ, truyện ngắn, kịch, nghị luận…) dài và khó, với thời gian 90 phút ít ỏi, học sinh chưa kịp hiểu thấu đáo nội dung. Chương trình GDPT 2018 nặng về phương pháp và kỹ năng, mà khả năng của học sinh còn hạn chế, nên khi tiếp cận ngữ liệu mới trong đề thi, đa số học sinh làm bài còn lúng túng và thụ động.
Để tạo điều kiện cho tất cả học sinh có thể làm được bài kiểm tra định kỳ, hiện nay ở nhiều trường, trước mỗi kỳ kiểm tra, theo sự thỏa thuận trong tổ bộ môn, giáo viên các lớp sẽ giới hạn phạm vi đề tài – thể loại, kiểu dạng câu hỏi, tác phẩm mà đề kiểm tra sẽ ra, thể hiện trong đề cương ôn tập, nhằm giúp học sinh chủ động ôn tập.
“Khoanh vùng” đề cương – hệ lụy và giải pháp
Vì muốn học sinh làm bài đạt điểm cao, hoặc vì “bệnh thành tích” của đơn vị, có những trường hợp, trước kỳ kiểm tra, để lách luật về yêu cầu ngữ liệu ngoài SGK, nhất là ở phần làm văn, phân tích tác phẩm – giáo viên “khoanh vùng” vài tác phẩm cụ thể ngoài SGK cho học sinh tập trung ôn tập, và khi ra đề, tác giả sẽ chọn một trong các ngữ liệu đó (!?).
Thời gian gần đây, các sở/phòng GD-ĐT đã giao trọn việc tổ chức kiểm tra định kỳ về cho các trường, do hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính. Trên thực tế, nhiều trường hiện vẫn cho học sinh kiểm tra theo đề cương ôn tập (đề cương thầy cô soạn sẵn rất sát với đề kiểm tra, đồng thời “khoanh vùng” phần làm văn trong vài tác phẩm nào đó ngoài SGK). Điều này tuy đảm bảo quy định của Bộ GD-ĐT về yêu cầu ra đề ngữ văn theo chương trình mới – sử dụng ngữ liệu ngoài SGK – nhưng vô hình trung lại chuyển học sinh từ lệ thuộc SGK sang lệ thuộc cái gọi là “đề cương ôn tập”, chứ không hề phát triển được phẩm chất, năng lực học sinh. Nếu cứ tiếp diễn hoạt động dạy – kiểm tra kiểu này, đến thời điểm kết thúc bậc học, khi đề thi không còn trong phạm vi do riêng từng trường ra, mà được ra chung ở cấp cao hơn như Sở GD-ĐT (đề tuyển sinh lớp 10), Bộ GD-ĐT (đề thi tốt nghiệp THPT), liệu các em có thể làm được bài, đáp ứng được tinh thần của kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới? Nếu các trường cứ theo mẹo “khoanh vùng” đề cương này thì học sinh sẽ vẫn chỉ học và thi thụ động theo lối cũ, tuy học sinh đạt điểm cao khi làm bài, nhưng dẫn đến hệ lụy giáo dục nước nhà chưa thể đáp ứng được mục tiêu định hướng phát triển năng lực người học của chương trình mới, và khó lòng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Để hạn chế và dần đi đến xóa bỏ nạn “khoanh vùng” đề cương ôn tập nhằm “làm đẹp kết quả – chạy đua thành tích”, ngành giáo dục cần có thêm những quy định để đảm bảo dạy thật – thi thật tại các trường học. Các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá phải thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, minh bạch, trên cơ sở chú trọng đến việc nâng cao trình độ học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực của chương trình mới. Việc đánh giá học sinh theo quy định bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đánh giá phải bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Nhà trường luôn có sự giám sát chặt chẽ, đối sánh kết quả học tập học kỳ/cả năm trên lớp với kết quả bài thi ở từng đợt kiểm tra tại trường. Cần triệt để xóa bỏ chiêu trò “khoanh vùng” trong đề cương ôn tập như hiện tại ở một số trường học.
Đề kiểm tra cuối kỳ nên là đề chung – do phòng GD-ĐT ra (áp dụng với bậc THCS trở xuống) và Sở GD-ĐT ra đề (đối với bậc THPT), nội dung đề cần được xây dựng phù hợp với chuẩn kiến thức – kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, phải đạt được các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Đối với khâu chấm bài kiểm tra thì nên thực hiện chấm 2 vòng độc lập, hướng dần đến chấm chặt chẽ như chấm thi tốt nghiệp THPT, dưới sự kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý ở trường, phòng GD-ĐT/Sở GD-ĐT.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)