Để đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật Nhà giáo, ngày 15.6 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về chính sách đối với nhà giáo.
Những so sánh buồn
Cần có chính sách hợp lý về thu nhập để giáo viên yên tâm đứng lớp – Ảnh: Lê Thanh
|
Ông Trịnh Thăng Mạnh – Trưởng ban Chính sách – xã hội (Công đoàn Giáo dục Việt Nam) cho biết GD-ĐT là một trong 9 ngành có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức bình quân chung. Cũng theo ông Mạnh, điều kiện làm việc của nhà giáo trong cả nước còn rất thiếu thốn. Hầu hết các trường từ mầm non đến ĐH, các trường chuyên nghiệp và dạy nghề: nhà giáo chưa có một bộ bàn ghế để ngồi làm việc tại trường. Còn theo số liệu điều tra của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đối với 360 giáo sư, 1.100 phó giáo sư thì chỉ có 40% giáo sư, phó giáo sư có phòng làm việc riêng và hầu hết do họ giữ các chức vụ quản lý trong các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu. Hầu hết đội ngũ này chưa được cấp kinh phí để mua sách, tạp chí chuyên môn.
Ông Mạnh cũng đưa ra một con số rất đáng buồn: trong tổng số 17,29 vạn giáo viên mầm non cả nước chỉ có 7,48 vạn giáo viên (chiếm 43%) trong biên chế được hưởng lương viên chức loại B, còn lại 9,81 vạn giáo viên ngoài công lập hưởng lương hợp đồng, không có hệ số lương ổn định, không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề dạy học, với thu nhập rất thấp (chỉ bằng 30-40% thu nhập của giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo và thời gian công tác).
So sánh của Công đoàn Giáo dục cũng chỉ ra rằng, mức tăng tiền lương khi chuyển từ lương cũ sang lương mới đối với nhà giáo đều thấp hơn so với các ngạch viên chức cùng loại. Ví dụ, mức tăng đối với giáo sư thấp hơn 6 ngạch viên chức cùng nhóm như: kiến trúc sư cao cấp, kỹ sư cao cấp, dự báo viên cao cấp; còn mức tăng lương đối với giảng viên ĐH thì thấp nhất trong tổng số 33 ngạch viên chức cùng loại A1 như: dược sĩ, quay phim viên, thư mục viên…; đối với giáo viên tiểu học thì mức tăng thấp nhất trong tổng số 24 mã ngạch viên chức cùng loại B như: y tá chính, quan trắc viên, kỹ thuật viên, dựng phim viên…
Đưa ra những ví dụ trên, ông Mạnh “chốt” lại vấn đề: tiền lương đảm bảo được cuộc sống là một trong những điều kiện rất cơ bản trong việc chống tiêu cực và nâng cao đạo đức nhà giáo. Khi tiền lương không đủ sống, nhà giáo phải tìm mọi cách nâng cao thu nhập để đảm bảo cuộc sống, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mọi tiêu cực.
Nói về vấn đề này, GS Hoàng Tụy cũng đã từng phát biểu: “Thu nhập cao hơn nhiều lần lương là một nghịch lý bất bình thường, điều đó giải thích mọi bất bình thường khác trong đạo đức và hành vi của nhà giáo.”
Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Văn Dụ – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng: khách quan mà nói thì động lực của người thầy không phải tất cả vì thu nhập, nhưng thu nhập kém buộc người ta phải quan tâm tới việc khác nhiều hơn việc dạy học. Điều đó làm giảm sút, thậm chí làm mất động lực của người thầy.
Nên trả lương theo việc
TS Dụ đề xuất cần nghiên cứu, thay đổi chính sách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo theo quan điểm: tiền lương của nhà giáo phải được coi là giá cả sức lao động đặc biệt, cần trả lương theo việc chứ không trả lương theo người.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Phước Long – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị phát biểu: thực tế cho thấy, vào được biên chế đã khó đối với người dự tuyển nhưng khi không đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo thì đưa ra khỏi biên chế lại càng khó hơn đối với cơ sở giáo dục công lập. Do vậy, cần xóa bỏ khái niệm “biên chế” mà thay bằng “hợp đồng dài hạn” đảm bảo mọi chế độ chính sách đối với người lao động. Trong quá trình hoạt động nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ bị sàng lọc, đào thải.
Ông Nguyễn Hải Thập – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra 11 vấn đề liên quan đến chính sách đối với nhà giáo cần được luật hóa trong dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó có vấn đề rút ngắn và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo. Ông Thập cho rằng: Nhà nước cần có chính sách rút ngắn thời gian công tác của nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn xuống 5 năm so với nhà giáo công tác ở vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, theo ông Thập, có nhiều ý kiến đề nghị nên kéo dài thời gian công tác đối với các nhà giáo có trình độ tiến sĩ, giáo sư…
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)