Đối với đề thi cho kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia, thì ít nhất phải đảm bảo các yêu cầu sau đây: hợp lý với giới hạn thời gian làm bài; đảm bảo tính vừa sức, phù hợp đối tượng người dự thi; đạt được hiệu quả của mục đích thi…
Theo các giáo viên, nếu khai thác quá nhiều câu hỏi theo yêu cầu thông hiểu, vận dụng từ văn bản đọc hiểu có thể khiến thí sinh mất hứng thú khi làm bài (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Về thời gian làm bài, từ 180 phút trước đây, đề thi môn văn giảm xuống còn 120 phút. Về đối tượng dự thi, đề thi dành cho thí sinh từ học lực yếu cho đến khá, giỏi, gồm hệ GDTX và THPT thi chung. Không chỉ để xét tốt nghiệp, đề thi còn gánh thêm nhiệm vụ nữa là để phân loại thí sinh, làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh.
Những điểm hợp lí
Phân tích đề thi minh họa môn văn năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành, chúng ta thấy có những điểm vừa có phần giống lại có những điểm khác biệt lớn so với đề thi những năm trước đây. Đề gồm hai phần. Phần đọc hiểu: đề cho 1 văn bản với 4 câu hỏi, ít hơn 1 văn bản và giảm 4 câu hỏi so với trước đây, nhưng thang điểm giữ nguyên là 3,0 điểm. Phần làm văn có 2 câu hỏi, gồm nghị luận xã hội và văn học, điểm phần này là 7,0 điểm, giống mẫu đề thi cũ, nhưng thang điểm có thay đổi. Đó là câu 1 làm văn xã hội giảm từ 3,0 xuống còn 2,0 điểm, và câu 2 nghị luận văn học tăng từ 4,0 điểm lên 5,0 điểm. Ở câu 1 của phần II chỉ yêu cầu viết đoạn văn với 200 chữ, câu hỏi này có sự tích hợp kiến thức với văn bản ở phần đọc hiểu…
Nên hạn chế đưa ra những cách hỏi khiến thí sinh khi trả lời dễ viết thành một đoạn văn dài, thậm chí là cả bài văn, sẽ phí thời gian làm bài không cần thiết của thí sinh. |
Nhìn chung thì cách ra đề như thế là không có gì quá bất ngờ đối với việc dạy và học ở nhà trường phổ thông. Đảm bảo được việc đánh giá kiến thức tiếng Việt, vừa đánh giá được kỹ năng và tư duy xã hội lẫn văn học. Cơ bản đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với thời gian làm bài và đối tượng người học.
Những điểm nên điều chỉnh
Thế nhưng, để đề thi hợp lý hơn, theo chúng tôi, cần chú ý điều chỉnh mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, các câu hỏi ở phần đọc hiểu nên có nhiều vế hơn từ dễ đến khó để hài hòa hơn về các yêu cầu đánh giá giữa các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, nhằm giúp thí sinh học lực trung bình, yếu có thể có điểm. Việc khai thác quá nhiều câu hỏi theo yêu cầu thông hiểu, vận dụng, kể cả câu làm văn (câu 1/phần II) từ văn bản đọc hiểu là không nên, vì vừa dễ trùng lặp ý trả lời của thí sinh, vừa gây mất hứng thú khi làm bài nơi thí sinh. Nên hạn chế đưa ra những cách hỏi khiến thí sinh khi trả lời dễ viết thành một đoạn văn dài, thậm chí là cả bài văn, sẽ phí thời gian làm bài không cần thiết của thí sinh. Đây cũng là những điểm hạn chế của đề thi THPT quốc gia 2016 môn văn mà chúng tôi đã trao đổi trong bài Những “hạt sạn” trong đề thi môn văn trên Báo Giáo dục TP.HCM trước đây.
Thứ hai, ở câu 1/phần II (2,0 điểm), không nên yêu cầu viết thành đoạn văn mà viết thành bài văn, dung lượng cũng nên dài hơn (khoảng 300 đến 400 chữ). Đừng sợ với 120 phút, thí sinh không làm kịp. Nên chăng là thang điểm cũng tăng lên thành 2,5 điểm (giảm 0,5 điểm ở câu nghị luận văn học hoặc 0,5 điểm ở câu đọc hiểu). Thay đổi như thế để vừa đánh giá được kỹ năng làm bài nghị luận xã hội của thí sinh, thỏa mãn cảm hứng làm văn, vừa làm cơ sở để phân loại được thí sinh.
Thứ ba, cách yêu cầu của câu 2/phần II (Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến) là chưa phù hợp với xu thế đổi mới việc dạy học văn trong nhà trường, nên yêu cầu theo hướng gợi mở để đánh giá kỹ năng làm bài sáng tạo nơi thí sinh, tránh lối học tủ, học “vẹt”. Câu hỏi này cũng nên có nhiều vế ở mức độ vừa sức, nhằm đánh giá nhiều mức độ làm bài khác nhau, và để dễ dàng phân loại thí sinh.
Ngoài ra, với cách thay đổi trên, sẽ giúp cho việc xây dựng đáp án chấm cụ thể, rõ ràng hơn, giúp giám khảo chấm ít bị lệch điểm.
Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT
Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)