Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần điều chỉnh tài liệu i-Learn Smart Start

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai thí điểm bộ tài liệu i-Learn Smart Start do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức ngày 26-2.

Năm học 2015-2016, bộ tài liệu i-Learn Smart Start được thí điểm triển khai tại 9 trường thuộc các quận 1, 3, 9, Bình Thạnh, Tân Bình (với gần 2.500 học sinh lớp 1, 2, 3 tham gia) và nội dung được đánh giá theo sát khung chương trình của Bộ GD-ĐT; phù hợp, gần gũi với trình độ lứa tuổi; rèn luyện 4 kỹ năng, giúp học sinh hứng thú khi học. Bên cạnh đó, tài liệu này còn sử dụng được trên bảng tương tác, từng phần bài học có mục tiêu, lồng ghép nhiều hoạt động, mẫu câu đa dạng, bài luyện tập tương tự dạng bài thi quốc tế…

Tuy nhiên, tài liệu này vẫn còn những nhược điểm cần điều chỉnh. Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, ngữ liệu còn nhiều nên học sinh khó làm kịp trên lớp; một số tài liệu giáo viên phải tự tải về. Đối với tài liệu nghe trên CD, có phần giáo viên phải tự cắt, điều chỉnh lại để học sinh nghe được nhiều lần mà không phải nghe các lệnh lặp lại… Cụ thể, giáo viên Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) cho biết từ vựng và cấu trúc trong một chủ đề còn nhiều khiến học sinh khó nhớ hết; phần nghe còn bị tạp âm. Trong khi đó, giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) lại cho rằng, nội dung giảng dạy ở sách và phần mềm chưa khớp với nhau. Ví dụ, học kỳ I sách dạy về màu sắc thì ở phần mềm, sang học kỳ II mới học đến…

Ông Phạm Trí Thiện, chuyên viên tiếng Anh tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên các trường để điều chỉnh cho phù hợp với chương trình. Theo ông Thiện, Sở GD-ĐT không bắt buộc quy định số bài dạy mà giáo viên tự điều chỉnh theo trình độ học sinh, chú trọng cả cách học sinh làm việc cá nhân.

N.Trinh

Bình luận (0)