Theo GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hầu hết các trường vẫn đào tạo gắn với những mục tiêu của thế kỷ trước, nhắm vào những công việc có sẵn. Vì vậy, phải đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên ra trường tự tạo việc làm.
Chia sẻ về những gì giáo dục ĐH (GDĐH) VN đạt được trong thời gian qua, khi ông tham gia tham mưu xây dựng chính sách phát triển với cương vị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Ga nói: “Giai đoạn vừa qua, GDĐH đã làm được nhiều việc, nổi bật là sự ra đời của luật GDĐH (2012)”.
Tuy nhiên, theo GS Ga, cũng có một số việc vẫn còn dở dang. Chẳng hạn, vấn đề phân tầng xếp hạng ĐH đặt ra nhưng chưa làm được; vấn đề nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, tuy Bộ và các trường rất nỗ lực nhưng hoạt động này gần như không mấy chuyển biến trong nhiều năm qua. Đặc biệt là việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật chương trình, cập nhật cách tiếp cận mục tiêu đào tạo…, nhiều trường làm rất chậm, không có định hướng rõ ràng.
Đào tạo sinh viên tư duy khởi nghiệp
|
Có phải vì chương trình đào tạo của các trường chậm đổi mới, chậm cập nhật mà hệ thống GDĐH nhận nhiều lời phàn nàn của xã hội về chất lượng sản phẩm, thưa GS?
Đúng thế. Hầu hết các trường hiện vẫn đào tạo theo kiểu đơn ngành, gắn với những mục tiêu đào tạo của thế kỷ trước, nhắm vào những công việc có sẵn. Yêu cầu hiện nay là đào tạo sinh viên (SV) tư duy theo hướng khởi nghiệp, nghĩa là khi tốt nghiệp, họ có khả năng tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, chứ không chỉ đào tạo ra những người có khả năng làm những việc có sẵn. Nếu đào tạo nhắm vào hướng làm cho cơ quan nhà nước hoặc đi làm thuê cho tư nhân, thì tất yếu tỷ lệ thất nghiệp của SV sau khi tốt nghiệp sẽ cao, bởi làm sao có đủ chỗ làm có sẵn cho tất cả các em!
Cho nên phải đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, làm sao để SV ra trường có thể tự tạo ra việc làm. Một SV tự tạo ra việc làm nghĩa là sẽ thu hút được nhiều SV tham gia, nên sẽ tạo ra một thị trường lao động sử dụng được hết số SV mà mình đào tạo ra.
Để làm được điều đó, đào tạo trong các trường ĐH hiện nay không thể theo kiểu đơn ngành như trước mà phải theo xu hướng liên ngành. Nghĩa là thiết kế chương trình không chỉ khu biệt trong một lĩnh vực mà phải tiếp cận theo hướng dự án, đặt ra vấn đề cho SV giải quyết. Mà các trường ĐH của chúng ta hiện giờ vẫn còn yếu trong việc này.
Luật GDĐH 2012 khi ra đời được đánh giá mang nhiều tư tưởng tiến bộ, tạo đà cho sự phát triển GDĐH, nhưng thực tế triển khai luật cho thấy nhiều điều không được như kỳ vọng?
Khi xây dựng luật GDĐH 2012, điều tôi mong muốn nhất là các trường ĐH được tự chủ hoàn toàn. Tự chủ là thuộc tính của ĐH, là tinh thần xuyên suốt của bộ luật này. Tuy nhiên, dù luật GDĐH mong muốn như vậy nhưng các luật khác lại không đồng bộ, nên cuối cùng các trường cũng không thực hiện được quyền tự chủ đầy đủ.
Một câu chuyện rất điển hình là Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội. Đây là trường duy nhất hiện nay không có cơ quan chủ quản (không thuộc bộ nào), nghĩa là có quyền tự chủ cao nhất. Vậy mà khi hoạt động thì gặp khó khăn do vướng các luật khác. Chẳng hạn, khi phê duyệt dự án, theo quy định phải có ý kiến của bộ chủ quản, nên cuối cùng trường phải “năn nỉ” một bộ nào đó làm chủ quản, ký giúp họ mới có dự án được.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia
Ở trên GS có nói về hoạt động khoa học của các trường chuyển biến rất chậm, không như mong muốn. Vậy chính sách có lỗi gì trong câu chuyện này?
Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học của chúng ta hầu như chỉ dựa vào nhà nước, một ít lấy từ nguồn thu của các trường. Trên thế giới, nguồn lực nghiên cứu khoa học của các trường ĐH hầu hết đến từ doanh nghiệp (DN). SV thực tập ở các DN thì DN sẽ trả tiền cho SV. DN là người đặt hàng, hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường. Họ thường xuyên cấp kinh phí để các trường nghiên cứu, tặng máy móc, thiết bị nghiên cứu cho các trường. Quan trọng hơn, sự hỗ trợ đó được xem như trách nhiệm của các DN. Bởi chính DN là người sẽ sử dụng lực lượng lao động do các trường ĐH đào tạo ra.
DN của ta gần như không có đầu tư gì cho đào tạo dù vẫn lấy nguồn nhân lực do các trường đào tạo ra. SV xuống thực tập thì nhà trường phải trả tiền cho DN. Đây là một điều rất vô lý.
Bộ GD-ĐT cũng đã tư vấn để năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định 99 quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học – công nghệ trong các trường ĐH, trong đó khuyến khích DN tham gia vào hoạt động khoa học – công nghệ trong các trường ĐH. Muốn làm được điều này cần phải có các chính sách phù hợp, để DN không thấy thiệt thòi mà còn xem việc hỗ trợ các trường làm khoa học là một trách nhiệm, một vinh dự. Chẳng hạn, ở các nước phát triển, việc hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của DN cho các trường thường sẽ được đổi lại bằng chính sách miễn trừ thuế. Nghĩa là nếu DN cấp kinh phí hoặc tặng cho trường thiết bị nghiên cứu thì phần hỗ trợ đó được trừ ra khi tính thuế. Nhưng làm sao để có chính sách này thì một mình Bộ GD-ĐT không làm được.
Nếu Bộ GD-ĐT tích cực kết nối với các bộ, ngành liên quan, cùng thảo luận, góp ý để giúp Chính phủ ban hành chính sách thì cũng có thể đạt được kết quả khả quan hơn?
Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, trong đó đặt vấn đề là phải có chính sách khuyến khích DN hỗ trợ nhà trường. Điều kiện cần tiếp theo là Chính phủ có chủ trương, rồi liên bộ thực hiện. Nhưng quan trọng nhất là tự thân các DN phải thấy điều này. Một khi DN hờ hững, chính sách có nguy cơ không khả thi, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ e ngại.
Xếp lương của PGS và GS mất tới 3 năm !
Tôi còn nhớ khi triển khai các chính sách từ luật GDĐH 2012, rồi Nghị định 141 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật GDĐH là cả một cuộc vận động và đấu tranh kéo dài. Chẳng hạn, chỉ riêng vấn đề xếp lương của PGS và GS cũng phải mất tới 3 năm, song kết quả đạt được cũng chỉ mới một nửa.
Hồi đó, để thực hiện chủ trương ưu tiên cho nhà giáo về lương, chúng tôi đã đề xuất quy định GS được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên gia cao cấp, còn PGS thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp. Mãi đến năm 2015, Bộ Nội vụ cũng đồng ý, nên chúng ta ban hành được thông tư liên tịch (Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ), xếp ngạch lương PGS là giảng viên cao cấp.
Nhưng đề xuất đối với lương GS vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù Nghị định 141 đã quy định GS được hưởng lương tương đương chuyên gia cao cấp, song trong quá trình triển khai, Bộ Nội vụ không đồng ý nên đến năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 117 bãi bỏ điều này. Vì thế cho tới nay, GS vẫn xếp cùng một ngạch lương giảng viên cao cấp giống như PGS.
|
Quý Hiên – Lê Hiệp/TNO
Bình luận (0)