Ôn tập theo nhóm sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn học sinh trong việc “truy bài” lẫn nhau |
Từ nhỏ, Lê Xuân Thắng đã phải xa ba mẹ (quê Thắng ở Thanh Hóa) vào TP.HCM ở với người bác để được lo cho ăn học. Trong thời gian học phổ thông ở trường THPT Gia Định và bây giờ là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhờ biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý mà Thắng có thể vừa đi học, vừa đi dạy kèm, làm tiếp tân nhà hàng, bảo vệ… Với nỗ lực vượt bậc, Thắng đã đảm bảo việc học và việc làm thêm đều thuận lợi. Chẳng những vậy, Xuân Thắng có thành tích học tập rất ấn tượng khi sở hữu hàng loạt các giải thưởng: giải nhất cuộc thi Olympic Hóa sinh viên toàn quốc năm 2008, giải ba Olympic toán toàn quốc năm 2007, giải nhất môn hóa lớp 12 cấp thành phố khi còn đang học lớp 11… Nói về phương pháp học của mình, Xuân Thắng cho biết: “Tất cả mọi việc cần làm trong ngày, trong tuần tôi đều sắp xếp lên lịch và ghi chi tiết ra giấy. Đã lên kế hoạch là tôi quyết tâm phải thực hiện cho được và thực hiện triệt để. Dĩ nhiên ban đầu hơi khó (thường vỡ kế hoạch) nhưng thời gian sau sẽ quen dần. Tôi luôn biết cân đối giữa thời gian học và thư giãn, nghỉ ngơi. Không nhất thiết phải vùi đầu vào học ngày, học đêm”.
Trong mỗi bài học, mỗi chương đều có những phần kiến thức trọng tâm, với những phần này thì tôi cố gắng hệ thống và liên hệ đến các hiện tượng, các quá trình trong đời sống để có cách ghi nhớ. Làm bài tập cũng là cách để nhớ và biết vận dụng công thức. Khi làm bài tập, tôi thường tóm tắt trong đầu xem đề bài đã cho gì, các công thức, sự kiện liên quan đến nó để tìm ra lời giải. Muốn vậy phải luôn đặt câu hỏi: “Tại sao lại cho yếu tố hoặc dữ kiện này?”. Bằng cách này, tôi mô phỏng ra một sơ đồ mình sẽ đi theo. Làm ít nhưng hiểu rõ cũng tốt. Có làm bài tập (phải tự mình làm, không được xem sách có lời giải) thì mới biết mình hổng kiến thức chỗ nào, và rèn khả năng tự giải quyết vấn đề mà đề thi sẽ ra, từ đó mới tự tin được. Đọc và tìm hiểu sách giáo khoa để từ phần cơ bản tìm ra các kết luận, công thức, hệ quả… Hiện nay có rất nhiều sách tham khảo, tôi lựa chọn để mua đọc và tự làm bài tập rồi so sánh kết quả, hướng giải với sách. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào thầy, cô. Nên học ở bạn bè bằng cách hẹn học nhóm một ngày trong tuần chẳng hạn. Và quan trọng là phải có chế độ dinh dưỡng hợp lí.
Theo tôi, tâm lí phòng thi khá là quan trọng. Vì thế, bước vào làm bài, tôi cố gắng không vội vã, hấp tấp và dành thời gian đọc kĩ đề thi. Tôi thường hình dung trước các bước phải thực hiện, không vì thấy đề dễ mà chủ quan. Nếu đề khó thì mọi người đều khó cả vậy nên bình tĩnh khi gặp dạng đề lạ hay khó. Không nên tập trung quá nhiều vào một câu, phân bổ thời gian thích hợp. Nhưng quan trọng là đừng quá áp lực, phải tự tin, bình tĩnh là trên hết. “Tôi không bắt buộc mình phải chiến thắng, nhưng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng. Tôi không nhất thiết phải thành công nhưng tôi phải nỗ lực hết sức mình”- Xuân Thắng khẳng định.
T.Tr (ghi)
* Lê Xuân Thắng là nhân vật trong bài viết Cậu học trò sưu tầm giải thưởng đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM ra ngày 17-12
Bình luận (0)