Cô Hà Thị Thúy Vân (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM) hướng dẫn học sinh làm bài tập. |
Thực hiện theo thông tư 43/TT-BGDĐT ngày 26-11-2012 của Bộ GD-ĐT về Hội thi giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp giỏi, trong năm 2013-2014, các trường phổ thông đã tiến hành tổ chức hội thi này.
Hội thi đã tạo nên không khí sôi động, tích cực từ các GV làm công tác chủ nhiệm. Từ GV lớn tuổi sắp về hưu đến GV trẻ mới làm công tác chủ nhiệm vài năm đều có thể đăng ký tham gia (khác với Hội thi GV dạy giỏi, các thầy cô lớn tuổi thường không tham gia). Các trường đã tổ chức hội thi với sự sáng tạo riêng, không gò bó, rập khuôn máy móc. Thế nhưng, sau Hội thi GV chủ nhiệm lớp giỏi trong năm học vừa qua, rất nhiều thầy cô giáo đã băn khoăn bởi nội dung thi, hình thức thi… như các trường đã làm liệu có là cách thực hiện tốt để đạt được mục tiêu quan trọng nhất của hội thi. Mặc dù các trường đã thực hiện khác nhau, trường thì tổ chức thi từ đầu năm học và kéo dài cho đến hết năm, trường khác thì tổ chức thi vào một thời điểm nào đó trong năm học như là Hội thi GV dạy giỏi, có trường thì lập hội đồng tổ chức bình chọn vào cuối năm học… nhưng tất cả đều cho thấy hội thi vẫn nặng nề về lý thuyết và hình thức.
Ngay từ đầu năm học, có trường bắt buộc tất cả GV chủ nhiệm lớp phải đăng ký dự thi làm nhiều người bất bình và câu hỏi được đặt ra: “Phải chăng đây cũng là chạy theo bệnh thành tích: 100% GV của trường đăng ký dự thi để báo cáo?”. Mặt khác, nội dung hội thi ở các trường cũng lại rơi vào việc “bội thực” hồ sơ sổ sách. Nhiều GV lớn tuổi đã đăng ký dự thi sau đó rút tên khi biết hồ sơ, sổ sách dự thi quá nhiều: Sáng kiến kinh nghiệm hoặc một đề tài nghiên cứu khoa học, báo cáo thành tích, sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, sổ hội họp… Cụ thể, hồ sơ, sổ sách của người dự thi nào được đầu tư viết thật nhiều, thật dài, thật hay thì mới đạt (nhiều GV đã nói đùa là muốn đậu GV chủ nhiệm lớp giỏi phải “tập chép, rèn chữ giỏi”). Một số trường còn tổ chức thi trắc nghiệm và đa số các câu hỏi rất khô khan, nhàm chán bởi nó chỉ xoay quanh các thông tư, văn bản về đánh giá xếp loại học sinh, điều lệ trường tiểu học, đạo đức nhà giáo… Có thể nói hội thi này đã khiến các thầy cô giáo có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm thất vọng. Nó đã không đem lại sự hứng thú cho người dự thi cũng như thu hút sự quan tâm chú ý của các GV khác.
Theo tôi, hội thi cần thiết phải đổi mới. Điều đầu tiên, hội thi cần mạnh dạn bỏ việc bình xét hồ sơ sổ sách bởi từ lâu GV đã thường xuyên “ca thán” về sự quá tải hồ sơ sổ sách. Kế tiếp, nội dung thi cần xoay quanh các công tác chủ nhiệm trong thực tế như duy trì sĩ số học sinh, biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan, cách phối hợp giáo dục giữa nhà trường và học sinh, giáo dục đạo đức học đường, xây dựng lớp học thân thiện – đoàn kết – yêu thương… chứ không phải là các nội dung văn bản khô cứng của ngành. Để trả lời các nội dung này, tốt nhất là trả lời trực tiếp với Ban giám khảo hoặc viết ngắn gọn trên giấy bằng những gạch đầu dòng.
Mục tiêu quan trọng nhất của hội thi là nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm và là dịp để các GV chủ nhiệm trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nhằm thực hiện tốt hơn công tác chủ nhiệm trong tương lai. Chính vì vậy, đối thoại trực tiếp giữa người thi với Ban giám khảo và các GV khác là điều hết sức cần thiết. Cách giải quyết các tình huống sư phạm, các câu chuyện có thực về giáo dục học sinh, về quan hệ giữa GV và phụ huynh… chính là những bài học vô giá cho cả người thi và người dự khán.
Tóm lại, hội thi sẽ đảm bảo được mục tiêu tốt đẹp trên, đem lại sự thu hút lớn đối với tất cả thầy cô giáo nếu nó đi sâu vào thực tiễn của công tác chủ nhiệm và loại bỏ đi sự nặng nề về hình thức, lý thuyết.
Nhân Tâm (TP.HCM)
Bình luận (0)