Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần đổi mới nội dung hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) hướng nghiệp cho học sinh lớp 9

Nếu nội dung hướng nghiệp không đổi mới, không cập nhật kịp thời những yêu cầu của nhu cầu lao động thì công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho học sinh khó đạt kết quả cao.
Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của một số chuyên viên, nhà quản lý giáo dục… xung quanh vấn đề điều chỉnh nội dung hướng nghiệp để nâng cao hiệu quả công tác này.
ThS. Cao Tú Anh (Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM): Cần có phần dành cho địa phương
Nội dung hướng nghiệp bao gồm tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề trong xã hội đầy biến động. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống chương trình và tài liệu phục vụ GDHN theo nhóm các chủ đề. Trong nội dung chương trình cần có phần thích đáng dành cho địa phương nhằm trực tiếp góp phần hướng việc học tập của học sinh gắn với cộng đồng, với thực tiễn phát triển vốn hết sức phong phú và đa dạng theo các vùng miền. Tùy thuộc vào đặc điểm địa dư, điều kiện riêng về phát triển kinh tế xã hội, từng nhà trường phổ thông theo đặc điểm vùng miền sẽ chọn lọc các chủ đề thiết thực và phù hợp.
ThS. Phạm Đăng Khoa (Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM): Tránh lãng phí khi đào tạo ở từng địa phương
Với mục đích tìm hiểu thực trạng và thử đề xuất một số biện pháp nhằm đổi mới công tác tổ chức, quản lý hoạt động GDHN ở các trường phổ thông, chúng tôi đã tiến hành xin ý kiến của 120 cán bộ quản lý giáo dục các trường THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM trong tháng 4 và tháng 5-2013. Theo đó, biện pháp “xây dựng nội dung GDHN riêng cho TP.HCM, tập trung giới thiệu những ngành nghề mũi nhọn theo nhu cầu nhân lực của thành phố giai đoạn 2011-2013” được nhận định là rất cấp thiết (51,5%), cấp thiết (44,9%), đem lại hiệu quả khả thi cao (97,6%). Tùy theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương mà nhà trường có chủ trương, phương pháp GDHN cho học sinh khác nhau để mang lại kết quả tốt nhất, không để tiếp tục xảy ra lãng phí thời gian, tiền của khi đào tạo một hướng nhưng người học lại làm một nghề khác khi tham gia lao động hoặc phải đào tạo lại, hay thừa nhân lực ở nơi này nhưng lại thiếu nhân lực ở nơi khác, hoặc tình trạng thừa thầy thiếu thợ mà các cơ quan truyền thông thường nhắc đến. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy tại các trường THPT theo hướng phân ban hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, đẩy mạnh tổ chức lại các trường trung cấp nghề, tiếp tục đầu tư cho các trường TCCN…
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Cần điều chỉnh chương trình khung về hướng nghiệp
Hiện nay chúng ta cần đổi mới nội dung, hình thức GDHN cho học sinh trung học theo định hướng phân luồng học tập và chọn nghề. Trước hết, cần điều chỉnh chương trình khung về hướng nghiệp cũng như các chuyên đề lồng ghép trong GDHN ở các trường trung học. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện các nội dung như: Hệ thống hóa các cơ sở thực tiễn của công tác GDHN tại địa phương, khả năng thực hiện của giáo viên, sự mong đợi của học sinh; điều chỉnh chương trình theo định hướng tính thích ứng và khoa học (dựa trên cơ sở tâm lý học hướng nghiệp và GDHN) cho khối 10, 11 và 12; đề xuất một số nội dung hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS; tham khảo ý kiến của các chuyên gia và tiếp tục điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với những đề xuất… Ngoài ra, cần thử nghiệm công tác tham vấn hướng nghiệp chuyên biệt ở trường trung học nhằm giúp học sinh nhận diện những phẩm chất tâm lý, năng lực, sở thích… của bản thân cũng như có cái nhìn tổng quát về các loại ngành nghề và thông tin nguồn nhân lực. Đồng thời, giúp học sinh cuối cấp THCS định hướng tương lai sao cho phù hợp hơn cũng như học sinh THPT sẽ biết cách chọn cho mình một con đường vào đời thích hợp và hiệu quả.
Bài, ảnh: Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)