Để đảm bảo đúng quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên, thời gian qua nhiều giáo viên đã tự chủ động tham gia học. Để đảm bảo quyền lợi, các giáo viên mong muốn được tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục khi nhận truy lĩnh chi trả học phí sau khóa học.
Chủ động nâng chuẩn
Để chủ động nâng chuẩn trình độ đào tạo, trong 3 năm liên tục, từ năm 2020-2022, thầy giáo Trần Văn Ky, giáo viên môn thể dục, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đều đặn theo học vào mỗi cuối tuần.
Quãng đường từ trường dạy học đến TP.Tam Kỳ dài ngót 130km. Vất vả là điều không tránh khỏi. Thời gian đầu, thầy xin ở nhờ nhà người quen. Sau đó, thầy cùng đồng nghiệp chung nhau thuê trọ để hoàn thành khóa học nâng chuẩn từ cao đẳng giáo dục thể chất lên bậc đại học theo chuẩn của Luật Giáo dục 2019.
Nhằm có đủ điều kiện cũng như các khoản chi phí, thầy Ky vay Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng. “Học phí mỗi học kỳ là 8 triệu đồng. Khóa học kéo dài 6 học kỳ. Các chi phí ăn ở, xăng xe… tôi trích thêm từ đồng lương hàng tháng của mình. Trong thời gian đó, tôi cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà trường, tạo điều kiện để tôi không phải tham gia các hoạt động ngoại khóa tổ chức vào cuối tuần”, thầy Ky cho biết. Hai vợ chồng thầy Ky đều là giáo viên. Dù con nhỏ cần sự chăm sóc nhiều của cha mẹ nhưng hai vợ chồng đều cố gắng thu xếp để có thể học liên thông nâng chuẩn theo quy định. “Việc tham gia học nâng chuẩn không chỉ đáp ứng yêu cầu theo quy định mà còn giúp bản thân bồi dưỡng, nâng cao thêm trình độ và kiến thức chuyên môn nên dù có vất vả thì bản thân vợ chồng tôi vẫn thấy khóa học rất bổ ích”, thầy Ky chia sẻ.
Tương tự, trường hợp của thầy Nguyễn Tin Thắng, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng tham gia học nâng chuẩn. Thầy Thắng tốt nghiệp trung cấp sư phạm âm nhạc, Trường Văn hóa – Nghệ thuật Quảng Nam năm 2015. Năm 2021, thầy Thắng đăng ký tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn từ trung cấp lên đại học thuộc chương trình liên thông giữa Học viện Âm nhạc Huế và Trường Đại học Quảng Nam.
Vượt qua nhiều khó khăn do quãng đường xa hơn trăm kilômét, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều thứ trong đời sống hàng ngày và cả việc học, thầy Thắng vẫn hoàn thành khóa học sau 4 học kỳ. Thầy Thắng bảo, nếu chờ đợi đến lúc được chi kinh phí mới đi học thì sẽ trễ nhiều thứ. Vì vậy, thầy chủ động sắp xếp từ nguồn kinh phí gia đình để theo học.
Cần đơn giản hóa thủ tục truy lĩnh
Khi đi học liên thông để nâng chuẩn, thầy Trần Văn Ky đang là giáo viên dạy học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam). Sau đó, xã Trà Mai được công nhận là địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo viên và học sinh không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ của vùng đặc biệt khó khăn theo quy định. Theo nguyện vọng của thầy Ky, Phòng GD-ĐT Nam Trà My đã luân chuyển đến dạy học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Vân và từ đó tiền lương hàng tháng của thầy Ky có thêm khoản phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn.
Thời điểm thầy Ky và thầy Thắng đi học nâng chuẩn, tỉnh Quảng Nam chưa triển khai thực hiện Nghị định số 71/2020 của Chính phủ. Vì vậy, cả hai thầy đều tự chi trả từ học phí đến mua sắm giáo trình, học liệu… Khi nghe tin giáo viên có thể được thanh toán, truy lĩnh số tiền đã tự đóng học phí nâng chuẩn trình độ đào tạo, thầy Ky và thầy Thắng rất vui, hy vọng khoản truy lĩnh sẽ giúp giải quyết những khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, cả thầy Ky và thầy Thắng đều không còn giữ các phiếu thu xác nhận đã đóng học phí trong khóa học đào tạo nâng chuẩn.
Nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. Triển khai có hiệu quả, đảm bảo lộ trình và đạt chỉ tiêu thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Đồng thời làm căn cứ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định dự toán chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên hằng năm theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch về việc thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, số lượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn năm 2024: 410 người (mầm non: 182 người, tiểu học: 133 người, THCS: 95 người). Cụ thể, số lượng giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn năm 2022, 2023 tiếp tục đào tạo năm 2024: 193 người (mầm non: 2 người, tiểu học: 112 người, THCS: 79 người); Số lượng giáo viên đăng ký tham gia đào tạo năm 2024 là 217 người (mầm non: 180 người, tiểu học: 21 người, THCS: 16 người). |
“Thông thường thời khóa biểu của các lớp học liên thông, tại chức diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần. Để thuận tiện, học phí thường được thanh toán trực tuyến bằng hình thức chuyển khoản rồi gửi xác nhận lệnh chuyển khoản vào nhóm Zalo của lớp học. Tôi không chú ý đến các thủ tục nhận phiếu nộp tiền bằng giấy từ phía nhà trường”, thầy Thắng nói.
“Nếu triển khai việc hỗ trợ học phí và được truy lĩnh thì các thủ tục cần được đơn giản hóa để giúp chúng tôi thuận tiện trong việc truy lĩnh. Vì khóa học đã kết thúc lâu rồi, chúng tôi đã làm hồ sơ nâng ngạch. Nếu cần minh chứng thì chỉ có bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm, danh sách lớp học đã được đơn vị liên kết xác nhận, điều này cũng có thể tương đương với việc đã nộp đầy đủ các khoản học phí”, thầy Ky nói thêm.
Hàn Giang
Bình luận (0)