Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần đồng bộ trong di dời – chỉnh trang kênh rạch

Tạp Chí Giáo Dục

Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch là một trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị của TP.HCM. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, TP.HCM vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang chờ chính sách bồi thường và di dời.


Rác bủa vây rạch Xuyên Tâm (đoạn quận Bình Thạnh)

Hiện trạng của hàng chục ngàn căn nhà trên và ven kênh đều xây dựng tạm bợ, nhếch nhác, mất mĩ quan và tiềm ẩn nguy hiểm tính mạng tài sản của người dân.

Nhiều năm sống chung với rác

Nằm ven kênh Đôi của quận 8, căn nhà 4 vách làm bằng tôn rộng khoảng 20m2 (tại địa chỉ 728/2/4/2c, đường Phạm Thế Hiển, phường 4) là nơi sinh sống của 2 vợ chồng chị Loan và người con cả chục năm nay. Tôn chắp vá lâu ngày rỉ sét, thủng lỗ chỗ. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột. Phía dưới, nền nhà dựng bằng các tấm ván, nhiều chỗ mục nát. Gian bếp, nơi sinh hoạt vệ sinh phía sau được cơi nới nằm ngay trên kênh. “Do nằm trong kế hoạch di dời cải tạo ven kênh nên gia đình tôi không được sửa chữa hay xây mới dù nhà xuống cấp, hư hỏng. Trong thời gian chờ đợi, gia đình cũng ráng ở vì giờ chưa biết đi đâu, thuê trọ thì không đủ khả năng”, chị Loan chia sẻ.

Xung quanh nhà chị Loan, các căn khác cũng làm bằng tôn san sát. Lối đi vào từng nhà rộng khoảng 1m. Hầu hết nhà được dựng trên dàn cọc gỗ, tường yếu nên có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngay sát vách nhà chị Loan, mảnh đất rộng khoảng 6m2 đang được gia đình chị tận dụng làm nơi sinh hoạt, nấu ăn chính là căn nhà hàng xóm mới đổ sập tháng tư năm ngoái. “Lúc căn nhà đổ sập có 2 mẹ con may mắn chạy thoát kịp. Gia đình tôi kế bên cũng chạy kịp nhưng một phần căn nhà bị hư hỏng”, chị Loan kể và chỉ về phía vết nứt toác vẫn còn trên nền đất khá rộng vẫn còn đó và mỗi ngày vết nứt càng rộng ra.

Hầu hết các gia đình sống trong các căn nhà dọc hai bên kênh đều nhỏ hẹp, lụp xụp, tạm bợ. Người sinh sống đa số là lao động tự do, thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Cũng vì thế, chị Loan mong muốn khi TP thực hiện chỉnh trang nên có sự tính toán di dời các hộ dân đến nơi ở mới phù hợp, thuận tiện công ăn việc làm và học hành của con cái.

Rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) nổi tiếng là con rạch ô nhiễm nhất TP. Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân đang sống dọc hai bên bờ rạch này phải chịu cảnh hôi tanh từ đủ các loại rác thải ứ đọng. Bà Trần Thị Kim Chi (sống trọ tại nhà 49/6, đường Nguyễn Xuân Ôn, P.2, quận Bình Thạnh) cho biết: “Ngày cũng như đêm, mùi hôi từ con rạch xộc lên. Nước bẩn, rác nhiều còn là nơi sinh sống của chuột, gián, muỗi”.

Căn phòng bà Chi đang ở rộng khoảng 3m2, được chủ nhà ngăn cách bằng ván ép, vừa là nơi chứa đồ dùng sinh hoạt cá nhân, vừa là nơi ngủ, nghỉ, nấu ăn của bà. Xung quanh còn khoảng 6 phòng khác, hầu hết đều là lao động nghèo thuê trọ.

Cần đồng bộ trong công tác di dời – chỉnh trang kênh rạch

TP.HCM hiện có khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều ở các quận 4, 7, 8 và Bình Thạnh. Trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Sau đó, TP điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, tuy nhiên, đến hết năm 2020, TP.HCM mới di dời được gần 3.000 căn.

Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ tiêu di dời chưa đạt như cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác lập chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án cũng như chưa đạt được sự đồng thuận của người dân.

Quận 8 đứng đầu TP với khoảng chục ngàn căn nhà ven kênh và trên sông vẫn đang chờ di dời. Mới đây, chia sẻ với các cơ quan truyền thông, ông Phạm Quang Tú – Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho hay, khi thực hiện dự án đã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, người dân trở ngại tâm lý về việc tiếp tục sinh hoạt cuộc sống như thế nào sau khi di dời. Khi giải phóng mặt bằng có thể tạo ra được quỹ đất để mời gọi nhà đầu tư, tuy nhiên cái khó hiện nay là để tạo được mặt bằng thì số lượng bồi thường giải tỏa quá lớn. Còn nếu nâng chỉ tiêu quy hoạch xây dựng để đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư thì phá vỡ quy hoạch chung của quận. “Dự án kéo dài dẫn đến một số người dân thay đổi ý định, không đồng thuận di dời, kéo theo đó còn là gánh nặng chăm lo an sinh xã hội nhiều hơn cho địa phương vì đại đa số người dân là lao động nghèo, khó khăn”, ông Tú bày tỏ.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp chia sẻ rất quan tâm việc tham gia đầu tư thực hiện dự án chỉnh trang phát triển đô thị của TP nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì cơ chế. Việc di dời nhà ven và trên kênh rạch hiện nay không còn thực hiện theo phương thức đối tác công – tư như trước, các dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ chỉ thực hiện bằng một trong hai phương thức là đấu thầu hoặc đấu giá. Trong khi đó số lượng nhà trên và ven kênh rạch quá lớn, cơ chế bồi thường, hỗ trợ chưa rõ ràng.


Ch
 Loan tn dng nn nhà hàng xóm b đ sp năm ngoái làm nơi sinh hot cho gia đình

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2020 (có hiệu lực từ đầu năm 2021) đã bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) ra khỏi luật đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó ông góp ý: “Cần khôi phục hình thức đầu tư theo BT nhằm xã hội hóa để thu hút nhiều nhà đầu tư và nhiều nguồn vốn xã hội, kể cả trong nước và ngoài nước tham gia làm những công trình hạ tầng như giao thông, chỉnh trang kênh rạch. Vì nếu cứ giữ cách làm như hiện nay thì rất khó để thực hiện”.

Có thể thấy, hàng loạt căn nhà lụp xụp trên và ven kênh hiện nay không những ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị, môi trường mà vấn đề an toàn của những người dân đang sống trong đó cũng không được đảm bảo. Do đó, việc triển khai dự án với mục tiêu vừa thực hiện chỉnh trang đô thị vừa đảm bảo cuộc sống của người dân được nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, với những khó khăn tồn tại đã nhiều năm, để thực hiện di dời nhà ven, trên kênh rạch của TP thực sự hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cả sự ủng hộ của người dân.

Minh Phương

 

Bình luận (0)