Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 xác định bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác hướng nghiệp học sinh phải có sự đồng bộ từ bậc THCS, đặt ra các yêu cầu rõ ràng trong việc hướng nghiệp…
Theo các chuyên gia, công tác tư vấn hướng nghiệp cần đồng bộ từ bậc THCS đến THPT
Giáo viên THCS phải hiểu chương trình THPT
Trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở khối 10, cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM) thừa nhận, công tác tư vấn cho học sinh khối 10 đầu năm học gặp nhiều khó khăn do nhiều học sinh chưa thực sự hiểu rõ năng lực, chưa biết mình thích gì, muốn gì… Còn tình trạng học sinh nay chọn nhóm tổ hợp này nhưng vài hôm sau lại xin chuyển nhóm tổ hợp khác với lý do là bạn cùng lớp 9 chọn tổ hợp đó. Thậm chí, có không ít học sinh chọn tổ hợp môn học lựa chọn theo cảm tính, chọn vì cho rằng nhóm môn đó học… dễ hơn nhóm môn kia, sau này ra trường dễ kiếm việc làm hơn.
Vì vậy, cô Quyên cho hay, nhà trường đã phải tổ chức rất nhiều buổi tư vấn chung, tư vấn riêng, tư vấn theo từng phụ huynh để giúp học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn đúng nhất, sát nhất với năng lực và định hướng sau này. Nếu học sinh “chọn đại” ngay từ đầu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học và các em sẽ gặp nhiều khó khăn khi học tập ngay cả khi đổi lớp. “Từ thực tế năm học đầu tiên này, tôi cho rằng để công tác hướng nghiệp, định hướng học sinh khối 10 được hiệu quả khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 thì ngay từ bậc THCS, nhất là khối 8, 9, học sinh và phụ huynh cần được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết về các điểm khác biệt của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT để các em xác định rõ được năng lực, tố chất, mục tiêu nghề nghiệp. Có như vậy việc chọn nhóm môn học lựa chọn ở bậc THPT mới đạt hiệu quả, đúng theo mục tiêu định hướng nghề nghiệp”, cô Quyên nhìn nhận.
Đến thời điểm này, khi năm học mới đã diễn ra 2 tháng song hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP.HCM thông tin, nhiều học sinh có mong muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, đổi lớp, gây khó khăn cho quá trình giảng dạy, sắp xếp lớp học của trường cũng như sự biến động trong tâm lý học sinh. “Đầu năm học, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện rất kỹ công tác tư vấn cho phụ huynh, học sinh khối 10 về việc chọn nhóm môn học lựa chọn. Thậm chí khi phụ huynh, học sinh đã chọn rồi, nhà trường vẫn tiếp tục tư vấn nhằm giúp phụ huynh, học sinh đưa ra lựa chọn đúng nhất, phù hợp nhất. Vậy nhưng, đến thời điểm này vẫn còn nhiều học sinh gặp ban giám hiệu trình bày rằng không theo kịp khi học chương trình mới, cảm thấy đuối khi học tập và mong muốn đổi lớp”, vị hiệu trưởng cho biết.
100% giáo viên chủ nhiệm khối 9 được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2022-2023, 100% giáo viên chủ nhiệm khối 9 trên địa bàn thành phố sẽ được tham gia tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tuyển sinh vào lớp 10, nhằm cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; điểm chuẩn tuyển sinh các năm học trước; kinh nghiệm đăng ký nguyện vọng… cho học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM) sẽ triển khai Fanpage tư vấn trực tuyến mọi vấn đề liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đặc biệt, hệ thống tư vấn trực tuyến tại địa chỉ https://tuvannguyenvongTS10.vn cho phép học sinh tìm hiểu thông tin về các trường THPT trên địa bàn; dự đoán khả năng trúng tuyển của học sinh vào các trường THPT dựa theo nguyện vọng đăng ký và điểm số dự đoán đạt được trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, đồng thời tìm hiểu thêm về các cơ hội trúng tuyển CĐ, ĐH sau 3 năm THPT…
|
Vị hiệu trưởng này đánh giá, rõ ràng việc học sinh đổi môn, đổi lớp, gặp khó khăn khi học tập môn lựa chọn ở khối 10 không phải do công tác tư vấn hướng nghiệp của trường THPT mà phụ thuộc chủ yếu vào việc tư vấn ở bậc THCS. “Giáo viên THCS, nhất là giáo viên chủ nhiệm khối 8, 9 và giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp phải hiểu, có kiến thức về Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT để tư vấn, chia sẻ sớm cho học sinh biết về những thay đổi của chương trình cũng như cách thức triển khai để học sinh, phụ huynh quan tâm, lưu ý. Chỉ có như thế thì công tác hướng nghiệp mới có thể đồng bộ, tiệm cận với bậc THPT”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh.
Rất khó thay đổi quan niệm “cứ đậu vào lớp 10 rồi tính sau”
Sớm nhìn thấy những việc “cần phải làm” giúp học sinh khối 9 có hành trang hướng nghiệp vững vàng nhất khi theo học Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, năm học vừa rồi công tác hướng nghiệp học sinh khối 9 được nhà trường làm rất kỹ, phổ biến rộng đến học sinh, phụ huynh về Chương trình GDPT 2018, thông tin các nhóm môn học lựa chọn mà các trường THPT triển khai… “Tuy nhiên, điều khó khăn nhất khi giáo viên và nhà trường tư vấn cho phụ huynh, học sinh khối 9 hiện nay đó là rất khó thay đổi quan niệm “cứ đậu vào lớp 10 rồi tính sau” của đại bộ phận phụ huynh, học sinh. Với quan niệm đó nên khi chọn trường THPT, rất ít phụ huynh quan tâm đến yếu tố năng lực, sở trường, mục tiêu nghề nghiệp của chương trình mới mà đa phần chỉ dừng ở việc quan tâm chọn trường THPT để đậu trước đã”, cô Trâm bày tỏ.
Đồng tình với nhận định trên, hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại TP.HCM cho biết, quan niệm “cứ đậu vào lớp 10 rồi tính sau” đúng với cả phụ huynh trường chuyên. Nhiều phụ huynh không quan tâm tìm hiểu những thay đổi của Chương trình GDPT 2018 mặc dù đã được các trường THCS tư vấn, vì vậy bị “ngợp” khi phải chọn môn, chọn lớp ở bậc THPT. “Với đặc thù là trường chuyên nên ngay từ ban đầu thi tuyển vào lớp 10, học sinh đã thi theo môn chuyên. Cách thức tổ chức của trường thì môn chuyên nào sẽ đi kèm với một số môn lựa chọn nhất định. Thông tin này được nhà trường đăng tải công khai trên trang web trường cũng như công bố rộng rãi đến các trường THCS để thông tin kịp thời đến học sinh, tránh việc học sinh thắc mắc khi vào học. Vậy nhưng, khi thực hiện tư vấn chọn môn học lựa chọn đầu năm, nhiều phụ huynh cũng phản ứng, đòi đổi lớp chuyên cho con… Điều này là do ngay từ ban đầu phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến sự thay đổi của chương trình mới mà chỉ quan tâm đến việc làm sao để đậu vào trường”, vị hiệu trưởng phân tích thêm.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)