Do áp lực của cuộc sống, con người rất dễ mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt là giới trẻ. Nếu được chữa trị kịp thời, được sự thấu hiểu và đồng cảm từ những người xung quanh, người bị bệnh trầm cảm sẽ vượt qua và khỏi bệnh.
Cần sự cảm thông
Tại chương trình trò chuyện với chủ đề “Buồn ơi chào mi” diễn ra tại Đường sách TP.HCM (Q.1) mới đây, ThS.BS Lê Đình Phương (Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình – Kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện FV) cho biết, bệnh trầm cảm đã xuất hiện từ rất lâu nhưng do hiểu biết của con người còn giới hạn nên mọi người chưa nhìn nhận đây là bệnh. Do đó, nhiều người hay chỉ trích, có định kiến với những người bệnh trầm cảm. Ví dụ, khi thấy bạn bè, đồng nghiệp buồn, không nói chuyện vui vẻ…, họ thường có những lời nói khiến người có dấu hiệu bị trầm cảm tổn thương và bệnh nặng hơn. Đó là những lời nói: “Bạn này suốt ngày cứ buồn bã, không có tinh thần lạc quan, không có ý chí phấn đấu, không hòa đồng với mọi người…”. Thậm chí, một số người còn xa lánh, thờ ơ với người có dấu hiệu trầm cảm. “Trầm cảm là một loại bệnh chứ không phải là một tật xấu để lên án, bài trừ. Bệnh trầm cảm rất cần sự cảm thông, bao dung, thấu hiểu”, BS Phương nói.
Là người từng bị bệnh trầm cảm, chị Dương Yến Ngọc (trước đây là một siêu mẫu) cho biết: “Khoảng 20 năm trước khi chưa có nhiều thông tin, những dấu hiệu về bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm thường bị chỉ trích. Khi tôi có những biểu hiện, hành động khác lạ thì một số người xa lánh, tỏ cái độ khiến bản thân càng buồn hơn, bệnh càng nặng hơn. Đến năm 38 tuổi, tôi bị bệnh trầm cảm cấp độ 4”.
Chị Ngọc cho biết thêm, người bị trầm cảm thường bị tổn thương não, không hiểu vấn đề mà người khác đang nói, lúc nào cũng có tâm thế bất an, sợ hãi. Dù muốn thoát khỏi những biểu hiện này nhưng bản thân người bệnh không biết phải tìm ai để được giúp đỡ. “Tôi may mắn hơn người khác, thay vì tìm cách hủy hoại bản thân thì tôi còn nhận thức được vấn đề về sức khỏe. Tôi nhận ra rằng mình đã bất ổn và phải tìm cách cứu bản thân. Theo đó, tôi đã tự tìm hiểu về bệnh trầm cảm, sau đó tìm đến chuyên gia, bác sĩ để được hỗ trợ”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo chị Ngọc, khi gặp người có dấu hiệu bệnh trầm cảm, những người xung quanh nên giúp đỡ, nói chuyện và tìm hiểu vấn đề mà họ gặp phải. Chúng ta không nên thờ ơ, vô cảm.
Nên sớm chữa trị
Người trẻ hiện nay dễ mắc bệnh trầm cảm hơn so với các thế hệ trước. Một phần là do áp lực học tập và công việc, các vấn đề trong quan hệ xã hội, sử dụng mạng xã hội quá nhiều, thiếu kỹ năng xử lý căng thẳng… Ngoài ra còn có tác động đến từ sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội, sự thay đổi trong lối sống hiện đại ít vận động và thay đổi chế độ ăn uống. Nguyên nhân khác đến từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc, đồng cảm của gia đình và cộng đồng.
Theo ThS.BS Lê Đình Phương, biểu hiện dễ thấy của người trẻ mắc bệnh trầm cảm được thể hiện về mặt cảm xúc như buồn bã, chán nản, mất hứng thú với các hoạt động ưa thích, dễ nổi cáu, luôn có cảm giác lo lắng, bất an và tự ti. Nhiều trường hợp trầm cảm mức độ nặng còn có biểu hiện tuyệt vọng, làm hại bản thân và tự tử.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 đến 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%); tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%). |
Có 3 yếu tố dẫn đến bệnh trầm cảm, đó là gia đình, di truyền và xã hội. Một người trước đây có tinh thần vui vẻ, lạc quan nhưng bỗng trở nên u buồn, ít nói, ngại giao tiếp có thể đã mắc bệnh trầm cảm. “Trầm cảm hay rối loạn lo âu là một loại bệnh về rối loạn cảm xúc hoặc nhận thức. Nếu bản thân thấy có dấu hiệu buồn phiền hay lo lắng quá mức một cách vô lý kéo dài từ 2 tuần trở lên có thể bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Nếu triệu chứng này kéo dài không khỏi, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và những người xung quanh thì nên đi điều trị”, BS Phương khuyên.
BS Phương gợi ý, đối với khoa học thần kinh, có 2 yếu tố giúp con người giảm nhẹ trầm cảm và phòng ngừa trầm cảm đó là lòng biết ơn và biết giúp đỡ người khác. Theo đó, mỗi ngày chúng ta nên viết ra 3 điều biết ơn mà mình nhận được trong cuộc sống. Việc này dần dần sẽ trở thành thói quen và giúp bản thân sống tích cực hơn, không tệ như mình nghĩ. Khoa học thần kinh chứng minh con người là động vật xã hội. Khi mình giúp đỡ người khác thì bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc và thấy cuộc sống này ý nghĩa.
Trong khi đó, chị Dương Yến Ngọc cho rằng người bệnh trầm cảm muốn tự chữa lành có thể tìm người đồng hành, biết lắng nghe mình chia sẻ. “Việc có người luôn ở bên cạnh, cho mình những lời khuyên hữu ích, cùng mình vượt qua khó khăn sẽ phần nào giúp mình bớt trầm cảm, sống tích cực, lạc quan và thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa”, chị Ngọc nói.
Theo thống kê, tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 đến 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%); tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).
Bài, ảnh: Kiều Trinh
Bình luận (0)