Tòa soạnThư đi – tin lại

Cần đưa môn toán trở lại đúng vai trò: Thực trạng dạy toán trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ học toán của học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM). Ảnh: A.K
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư, ở Việt Nam, có một nghịch lý rằng, nếu như trong các nhà trường đào tạo phổ thông môn toán được quan tâm thì ở bậc CĐ, ĐH điều đó là ngược lại. Đơn cử như những năm trước thời kì 1992, hàm lượng toán học mặc dù thiên về kinh tế chính trị, quyết sách chứ ít có tính toán định lượng nhưng được phân bổ trong chương trình đào tạo lúc đó rất lớn. Đến thời kì 1992-1997, các trường ĐH, CĐ bắt đầu giảm thiểu các tín chỉ môn toán, thậm chí còn loại bỏ hẳn ra khỏi chương trình. Một lớp học ở giai đoạn này chỉ tầm 5-7 SV học toán. Có một nghịch lý ai cũng biết rằng, vai trò chính của toán học là đào tạo tư duy logic, ở Hàn Quốc, con số SV học toán chiếm 10%; ở Mỹ, khi bước chân vào trường ĐH, chưa biết mình sẽ theo học ngành nào thì tất cả các SV Mỹ đã phải học toán giải tích và đại số mức A. Trong khi đó, ở nước ta nhiều trường loại bỏ môn toán ra khỏi chương trình, nhiều trường khác giảm thời lượng môn toán tối đa có thể, như Học viện Tài chính chỉ còn 4 tín chỉ; ĐH Kinh tế TP.HCM có 7 tín chỉ, ĐH Kinh tế Đà Nẵng là 8 tín chỉ… trong khi đó, lẽ ra thời lượng cần đủ để học toán trung bình phải là 16 tín chỉ.
GS.TS Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – cũng nhìn nhận: “Có một thực trạng đáng lưu ý hiện nay là việc cắt giảm thời lượng dạy học các học phần toán trong chương trình đào tạo một số ngành như y tế, xã hội, quản lý… thậm chí cả ở một số ngành kỹ thuật, công nghệ. Điều này gây nên mối lo ngại của các nhà sử dụng lao động về năng lực, kiến thức nền tảng của SV và khả năng SV có thể thích nghi với môi trường lao động thay đổi nhanh chóng”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã phân tích các nguyên nhân hạn chế về thực trạng dạy học toán trong trường học, đặc biệt là ở khối ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng hiện nay. Trong đó tập trung chủ yếu về thời lượng môn toán trong chương trình còn thấp; giáo trình giảng dạy không thống nhất theo chuẩn; cán bộ giảng dạy lẫn SV không được trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính và xã hội dẫn đến người dạy chất lượng thấp, người học lơ là với môn học này… GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng: “Ở Việt Nam, mỗi trường biên soạn một bộ sách riêng cho ngành của mình. Tôi đã đọc một số giáo trình và có nhận xét: Nếu người làm toán đọc thì cũng không hiểu định nói gì và người học kinh tế đọc vào thì cũng không biết thu được cái gì”. Đó là chưa kể, do “thời lượng giảng dạy quá ít nên cách dạy phổ biến là “bài tập hóa” hoặc dạy toán theo phương pháp… chiếu phim!”, TS. Dư cho biết thêm.
Tìm lại vị thế cho môn toán 
Tại hội thảo, các đại biểu sau khi phân tích thực trạng, nguyên nhân đã đưa ra nhiều ý kiến kiến nghị nhằm tìm lại vị thế môn toán trong nhà trường, nhất là ở khối ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng. Để nâng cao vị thế môn toán, GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng cần đưa môn toán vào trường học như là một môn học đại cương. Bên cạnh đó các GV cần đổi mới phương pháp giảng dạy để SV yêu thích môn toán hơn. Đồng thời chuẩn bị sách và các học liệu đầy đủ theo yêu cầu của thời đại.
TS. Lê Sĩ Đồng (ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu tài liệu chuẩn giảng dạy, đào tạo cán bộ GV, đổi mới phương pháp giảng dạy, GV cần tạo ra các tình huống, vấn đề để biến người học từ thụ động thành chủ động, thích thú với toán học. Có thể cho người học làm các bài tập lớn (có yếu tố kinh tế, sử dụng nhiều nội dung toán), hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học với các đề tài toán ứng dụng giải quyết các vấn đề đơn giản trong kinh tế, ngành nghề. Bên cạnh đó, mở các cuộc thi Olymic toán trong phân tích định lượng cho SV khối ngành kinh tế.
Dưới góc độ nhà tuyển dụng, TS. Cấn Văn Lực (Ngân hàng BIDV Việt Nam) nói: “Đối với các trường ĐH, CĐ cần làm việc với các doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu về nhân sự. Cân đối thời lượng và chương trình giảng dạy, đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình toán, kinh tế lượng trong các công trình nghiên cứu. Tiếp cận tốt với doanh nghiệp thực hiện phương thức đào tạo ứng dụng hiện đại của thế giới (lý thuyết, thực hành, gắn kết doanh nghiệp)”…
Hàn Giang
GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Thật sự sai lầm nếu chúng ta xem nhẹ môn học này ở một ngành đào tạo nào đó. Xã hội càng phát triển thì yêu cầu tư duy logic của con người càng cao. Vì vậy, việc giảng dạy môn toán ở các nhà trường cần được tăng cường”.
 

Bình luận (0)