Thời gian gần đây, đưa tin về sự kiện nhà vua Nhật và Thái Lan lên ngôi, nhiều báo đài dùng từ “đăng cơ” thay cho “đăng quang”, trong khi lâu nay ai cũng hiểu chữ “đăng quang” nhằm chỉ sự việc một người “lên ngôi vua”. Do đó có nhiều ý kiến thắc mắc: Tại sao không dùng từ “đăng quang”, hoặc “lên ngôi” mà lại dùng từ “đăng cơ”?
Theo tác giả, chúng ta cần dùng từ Hán Việt đúng chỗ, đúng lúc, đúng sắc thái để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trong giờ học môn văn. Ảnh: Y.Hoa
“Đăng cơ” hay “đăng quang”, “lên ngôi”?
Căn cứ vào cuốn Từ điển tiếng Việt (của nhóm Hoàng Phê) thông dụng hiện nay, thì “đăng quang” là một động từ cũ, được dùng với tính chất trang trọng, có nghĩa là “Lên ngôi vua”, ví dụ: Lễ đăng quang. Đồng nghĩa với từ “đăng quang” – cũng trong cuốn từ điển trên – có thêm động từ “tức vị” (lên ngôi vua) và động từ “lên ngôi” (lên làm vua). Tra tìm thêm trong một số từ điển Hán Việt, chúng tôi thấy có một số từ cùng chỉ nghĩa “lên ngôi vua” như: đăng cực (lên ngôi vua), đăng vị (lên ngôi), đăng cơ (lên ngôi), tiễn cực (vua lên ngôi)…
Có ý kiến cho rằng từ “đăng cơ” du nhập vào tiếng ta thời gian gần đây qua các bộ phim Hoa ngữ lồng tiếng Việt, và hóm hỉnh nhận xét: “Các báo, đài viết/nói “đăng cơ” chắc do xem nhiều phim cổ trang Trung Quốc như Hậu cung Như Ý, Diên Hy công lược…, toàn thấy diễn viên lồng tiếng nói “đăng cơ”, chứ không nói đăng quang, đăng cực gì hết…”. Ý kiến khác nhận xét: “Có thể dùng từ khai cơ, nhưng với một triều đại hoàn toàn mới, ví dụ nhà Đường thay nhà Tùy. Đăng cơ hoặc đăng cực là nghi thức nhậm chức đặc biệt của người cai trị mới. Ngôi vua có thể được coi là biểu tượng của quyền lực trong một số trường hợp: cho dù đó là quyền lực thế tục hay quyền lực tôn giáo. Tương tự, lễ lên ngôi cũng có thể diễn ra tại nhà thờ hoặc quốc gia”; “Cơ là gốc rễ, cơ sở, nền móng. Đăng cơ là phát triển, nối dõi truyền thống (gia tộc). Đăng cơ thường dùng khi thái tử lên ngôi. Đăng quang thường dùng khi vua khác tộc họ lên ngôi. Tuy nhiên đăng quang qua quá trình sử dụng, hiện nay cũng có thể dùng cho thái tử lên ngôi. Còn vua mới không phải thái tử thì không dùng đăng cơ”. Đành rằng, dùng từ đăng cơ không sai, nhưng chúng tôi thiển nghĩ, với chức năng thông báo sự kiện, định hướng dư luận và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, báo chí nên dùng từ ngữ đã được Việt hóa quen thuộc, phổ dụng hiện nay là từ “đăng quang” là phù hợp hơn, không nhất thiết phân biệt trường hợp vua mới lên ngôi là đồng tộc hay dị tộc với cựu vương.
Thực ra, từ “đăng quang” hiện ở nước ta được dùng trong nhiều trường hợp, chứ không nhất thiết duy nhất trong trường hợp nhà vua lên ngôi, như những tít bài báo mới ra gần đây: “Người đẹp Philippines đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018”, “Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2018: Hoàng Cường đăng quang quán quân”, “Trịnh Bảo của Việt Nam xuất sắc đăng quang Nam vương Quốc tế 2019”…
Lại cá biệt có cuốn từ điển có mục từ đăng quang (燈光) với nghĩa duy nhất là: “ánh sáng của đèn” [Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, SG, tr. 265], chứ không hề có mục từ đăng quang (登光) đồng âm với nghĩa là lên ngôi vua như chúng ta đang đề cập. Còn với ý kiến thắc mắc ít nhiều mang tính máy móc: “Tại sao không dùng lên ngôi, một từ rất dễ hiểu, do người Việt đặt ra và đã dùng quen thay cho đăng cơ, đăng quang?” thì có lẽ chúng ta cần lưu tâm đến sắc thái trang trọng, tao nhã, cổ kính của từ Hán Việt (cũng chính là từ tiếng Việt chứ không phải từ ngoại lai như nhiều người quan niệm sai lầm) khi sử dụng nhằm biểu thị thái độ tôn kính, trân trọng, làm nổi bật ý nghĩa lớn lao của sự vật, sự việc…, dù cho từ thuần Việt đã có từ tương đương, cũng vẫn cần thiết phải dùng từ Hán Việt, như các trường hợp quen thuộc trước đây: dùng nữ ca sĩ thay cho người đàn bà hát, phu nhân thủ tướng chứ không ai viết vợ/ bà xã thủ tướng, hội kiến tổng thống chứ không nói gặp mặt tổng thống, Hội phụ nữ chứ không phải Hội đàn bà…
“Từ mới” mà không xa lạ
Trong cuốn từ điển tiếng Việt nêu trên còn có động từ “tức vị” đồng nghĩa với từ đăng quang, đăng cơ, nhưng lâu nay không thấy ai dùng, và nếu trong trường hợp hai thái tử Nhật Bản và Thái Lan lên ngôi vừa rồi, có nhà báo nào giật tít “Lễ tức vị của Tân Nhật hoàng Naruhito/ Tân quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn” thì có lẽ tiêu đề trên sẽ gây ra phản ứng có khi còn mạnh mẽ hơn cả dùng từ “đăng cơ”. Chúng ta nên lưu ý rằng, chỉ mới thế kỷ XIV, nhà văn hóa lớn, từng làm quan dưới 4 đời vua nhà Trần là danh sĩ Trương Hán Siêu, trong tác phẩm “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký” đã dùng từ này để chỉ sự lên ngôi của vua nhà Trần: “Kim thượng tức vị chi nhị niên đông, dư tại kinh sư…” (Vào mùa đông năm thứ hai sau khi đức vua lên ngôi, ta đang ở kinh đô…). Dù có mặt trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành, nhưng “tức vị” là một từ cổ, hiện nay không thấy xuất hiện, không còn phổ dụng nữa và dần đi vào quên lãng. Như vậy “đăng cơ” không phải là từ mới, nhưng vì lâu nay ít dùng, nên khi được sử dụng đã gây nên cảm giác lạ lẫm cho người đọc. Thực tế hiện nay, nhiều từ cổ tương tự như “tức vị”, “đăng cơ” nghe rất lạ tai, lại đang được sử dụng trở lại với tần suất ngày càng nhiều dần lên, có cơ hội hồi phục mạnh mẽ như các từ “vi diệu” (mầu nhiệm, huyền diệu), “trân quý” (quý báu, quý giá)… Trong trạng huống này, một trong hai xu hướng tất yếu của từ vựng là: một trong các từ đồng nghĩa ấy hoặc sẽ tồn tại, hoặc sẽ bị đào thải, chắc chắn sẽ diễn ra qua quá trình lâu dài sử dụng từ ngữ.
Cuối cùng, chúng ta dùng từ Hán Việt (kể cả từ cũ) đúng chỗ, đúng lúc, đúng sắc thái, có hiệu quả là điều cần thiết để giữ gìn và tôn vinh sự tinh tế, trong sáng của tiếng Việt; không nên chỉ với dụng ý là một cách sử dụng ngôn ngữ theo phong trào, mang tính “thời thượng”, mà cần cẩn trọng cân nhắc cặn kẽ, thấu đáo để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)