Để không “vỡ mộng” với trường THPT, khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024, phụ huynh và học sinh cần gắn việc chọn trường với chọn môn học lựa chọn, cách thức trường tổ chức Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất khi đăng ký nguyện vọng trường là cần đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh (ảnh minh họa)
Định hướng môn học lựa chọn ngay từ đầu
Theo ông Trần Ngọc Huy (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM), Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giúp học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống gắn với định hướng nghề nghiệp thông qua việc học sinh được chủ động chọn lựa các môn học lựa chọn, cùng một số môn mới như nghệ thuật. Vì vậy, ngay khi lựa chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập, phụ huynh và học sinh cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề triển khai Chương trình GDPT 2018 của mỗi trường, bao gồm cách thức trường tổ chức môn học lựa chọn như thế nào; chương trình của trường, các điểm nổi bật để đưa ra quyết định chọn nguyện vọng trường phù hợp. “Ví dụ, học sinh có sở thích học môn mỹ thuật, có định hướng nghề nghiệp sau này gắn với lĩnh vực mỹ thuật nhưng khi vào trường THPT, trong các môn học lựa chọn, nhà trường không tổ chức giảng dạy môn mỹ thuật. Như vậy, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc học cũng như định hướng nghề nghiệp sau này của học sinh. Vì thế, khi chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập, ngoài việc quan tâm đến điểm chuẩn, năng lực, phụ huynh và học sinh cần quan tâm đến cách thức nhà trường triển khai Chương trình GDPT 2018 để chọn môn học lựa chọn phù hợp. Tránh trường hợp học sinh rất thích môn học nào đó nhưng trong cách thức tổ chức của nhà trường, môn học đó không có, khi đậu vào trường rồi phụ huynh mới đưa ra thắc mắc, dẫn đến những rào cản trong quá trình học sinh học tập, định hướng nghề nghiệp”, ông Huy phân tích.
Từ thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 trong năm đầu tiên ở lớp 10, thầy Đỗ Dương Cung (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức) chia sẻ, có trường hợp học sinh lớp 10 đậu vào trường, chọn môn học lựa chọn, học được một thời gian thì cảm thấy… đuối sức, không theo được nên xin chuyển ra. Thế nhưng, theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc chuyển đổi môn học lựa chọn chỉ được thực hiện vào cuối năm học lớp 10. Có trường hợp, học sinh chọn môn học lựa chọn chỉ vì hồi THCS giáo viên dạy môn đó dễ thương, chấm điểm dễ chứ chưa thực sự tìm hiểu kỹ về môn học, sở thích, nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp. “Trong việc chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập, ngay từ đầu phụ huynh cần cân nhắc thêm việc chọn môn học lựa chọn. Phụ huynh cần ngồi lại với con nhiều lần, cùng con nghiêm túc suy nghĩ, trách nhiệm khi chọn trường và chọn môn học. Thay vì kỳ vọng vào con, phụ huynh nên đồng hành cùng con, nghiêm túc trong lựa chọn nguyện vọng gắn với chọn môn học lựa chọn”, thầy Cung nhấn mạnh.
Khi chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập cho con, phụ huynh cần quan tâm đến cách thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường THPT (ảnh minh họa)
Làm rõ hơn về việc chuyển đổi môn học lựa chọn ở bậc THPT trong Chương trình GDPT 2018, ông Trần Ngọc Huy nhấn mạnh, theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh lựa chọn môn học nào thì sẽ học xuyên suốt môn học đó trong cả năm học. Việc chuyển đổi môn học chỉ được thực hiện vào cuối năm lớp 10. Trong đó, học sinh phải tự học cùng với sự bổ trợ của nhà trường. “Việc chọn môn học lựa chọn phù hợp ngay từ đầu sẽ rất quan trọng, phụ huynh cần quan tâm đến sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp để lựa chọn chứ không nên quá lệ thuộc vào các khối thi ĐH như trước đây. Thay vào đó, phụ huynh cần có trách nhiệm khi chọn lựa môn học lựa chọn. Việc chuyển đổi môn học sẽ rất khó khăn cho học sinh vì kiến thức môn học trong suốt một năm chỉ được bổ trợ trong vài tháng hè sẽ rất khó khăn. Chưa kể, khi học lớp 11, các em sẽ phải vừa học kiến thức mới, vừa củng cố kiến thức cũ rất vất vả”, ông Huy nhấn mạnh.
Quan trọng nhất là đánh giá đúng năng lực học tập
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) chia sẻ, mùa tuyển sinh lớp 10 công lập năm nào cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phụ huynh chưa thực sự cân nhắc kỹ lúc đăng ký nguyện vọng trường. Có những trường hợp, học sinh rớt nguyện vọng vì sự kỳ vọng của ba mẹ; tuy nhiên, có trường hợp học sinh đậu nguyện vọng nhưng lại… buồn.
Ông Khoa kể, nhiều phụ huynh sợ điểm chuẩn tăng, sợ con không đủ sức vào trường yêu thích nên không dám đặt trường con yêu thích làm nguyện vọng 1. Đến khi trúng tuyển vào trường khác với số điểm dư vào trường con yêu thích thì tiếc nuối. Có phụ huynh lại quá kỳ vọng vào con, đặt nguyện vọng vượt xa năng lực của con, đến khi con trượt thì gọi lên phòng khảo thí nói rằng: “Sao không bớt điểm để con tôi đậu”. Cũng có trường hợp, học sinh trúng tuyển vào Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) và phụ huynh đã nộp hồ sơ nhập học; tuy nhiên, khi có kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM thì lại muốn rút hồ sơ để nhập học trường khác, nhưng không thể được. “Thời điểm này, phụ huynh cần cùng con lên kế hoạch, phối hợp với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm làm sao đánh giá đúng năng lực học tập của con trong việc đặt nguyện vọng. Khi đặt nguyện vọng, phụ huynh cần quan tâm đến mong muốn của con để chọn trường, chọn nhóm môn học phù hợp. Mỗi học sinh cần phải suy nghĩ sau này mình muốn làm gì để chọn môn học phù hợp. Việc không có định hướng rõ ràng sẽ khiến học sinh rất vất vả khi học tập”, ông Khoa lưu ý.
Nói thêm về điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM hàng năm, ông Khoa phân tích, về cơ bản, điểm chuẩn được Sở GD-ĐT tính toán dựa trên chỉ tiêu, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng và kết quả bài làm của học sinh. Do vậy rất khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng. Trong cùng một trường, nguyện vọng 1 luôn thấp hơn nguyện vọng 2, nguyện vọng 2 lại thấp hơn hoặc bằng nguyện vọng 3. Tuy nhiên, điểm chuẩn sẽ không bao giờ tăng vọt đến 5-10 điểm, do vậy phụ huynh không nên quá lo lắng về điều này mà quan trọng nhất là cần tìm hiểu thật kỹ về quy chế của kỳ thi, hiểu đúng năng lực học tập của con để có thể đăng ký nguyện vọng phù hợp nhất.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)