Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong giờ học
|
Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến (lần 2) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới (lần trình Quốc hội đầu tiên vào tháng 10 và 11-2011) – GS.VS Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho biết. Và để chuẩn bị cho hoạt động này, Thường trực Ủy ban quyết định tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục nhằm hoàn thiện một bước nữa Dự thảo luật. Theo đó, hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia hoàn thiện Dự án Luật Giáo dục ĐH đã được tiến hành tại TP.HCM ngày 7-2. Có mặt tại hội nghị, các nhà giáo dục cho rằng, Dự thảo luật cần được “gia công” căn cơ hơn nữa. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) bày tỏ kỳ vọng, việc “gia công” này giúp khi ban hành, luật sẽ trở thành nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém bất cập đã quá kéo dài cũng như thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục. GS. Trân còn đề nghị ban soạn thảo xem xét kỹ vấn đề liên quan đến các cơ sở giáo dục ĐH tư thục vì lợi nhuận, phi lợi nhuận (vốn đã gây nhiều tranh cãi trong các lần hội thảo trước). Theo GS. Trân, Bộ GD-ĐT cần trao đổi, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính để soạn thảo các điều khoản liên quan đến các cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận (theo nghĩa chính thống ở các nước). Nếu cần, xây dựng thành một mục hoặc chương riêng.
PGS.TS Trần Chí Đáo (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đề nghị không nên đưa vào luật quá nhiều chi tiết, cần phải tổng quát. Vì ở nước ta, sau khi ban hành luật, sẽ có thêm nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của bộ. PGS.TS Đáo còn nhấn mạnh việc phân tầng ĐH nhằm xây dựng một số ĐH “đẳng cấp” cao phục vụ quá trình hội nhập. Để được như vậy, cần có các chính sách ưu tiên về cơ chế quản lý (tự chủ cao), về đầu tư cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên. Không nên cào bằng, không thể “dàn hàng ngang” tiến lên được.
Liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước và thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH tư thục, nhiều ý kiến nhận định, dù so với dự thảo lần trước, các quy định được đưa ra rõ ràng hơn ở những nội dung cơ bản và nguyên tắc thực hiện, tuy nhiên cuối cùng vẫn được chốt lại tiếp tục chuyển lên cho bộ trưởng hoặc Chính phủ quy định. Điều khoản này vẫn còn mang nặng tư tưởng xin cho, bao cấp và cho thấy cơ quan Nhà nước tham gia quá sâu vào cơ chế vận hành của các trường. Do đó, các kiến nghị đều tập trung vào việc Nhà nước cần đổi từ vai trò chỉ huy, quản lý sang tư vấn, hỗ trợ giám sát và kiểm tra.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Tin liên quan
Ngày 18-11, Viện Phát triển chính sách đã thông tin về đề án “Nghiên cứu đời sống của giáo viên khu vực...
Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC vừa tổ chức lễ tốt nghiệp và vinh danh 72 học viên...
Sáng 19-11, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM và Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 tại TP.HCM đã...
Ngày 19-11, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu”, tuyên dương - Khen...
Bình luận (0)