Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Cần giải pháp đảm bảo lợi ích của người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Trong đơn thư gửi báo PL&XH, một số hộ dân dãy nhà B10, tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội, thuộc tổ 23 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết họ đang bị thiệt hại do sự thiếu công khai của quy hoạch đường nơi đây.
Quan điểm của người dân
Theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Huề, trú tại số nhà 11 B10, TTĐH Sư phạm Hà Nội, thuộc tổ 23, phường Dịch Vọng Hậu, ngày 18-9-2011, ông thấy nhiều hộ dân tổ 20 ồ ạt xây nhà trên vỉa hè phía nam đường Trần Quốc Hoàn (đoạn từ ngã tư phố Phan Văn Trường đến cổng sau ĐHSP Hà Nội). Sau khi nhận phản ánh, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã đình chỉ việc xây dựng nhà trái phép của các hộ dân tổ 20. Song, đến ngày 12-11, các hộ dân tổ 20 lại tiếp tục ngày đêm thi công. Dù đã rất nhiều lần người dân tổ 23 báo cho ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy và ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, nhưng UBND phường chỉ cho lực lượng chức năng đến nhắc nhở, không có biện pháp xử lý dứt điểm, nên sau đó, các hộ dân lại tiếp tục thi công.
Tuy nhiên, các hộ dân tổ 20 có những lý giải riêng của mình. Theo ông Nguyễn Ngọc Đoàn, 72 tuổi, đã làm tổ trưởng tổ 20 được hơn chục năm, và cũng là một trong 46 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB), phục vụ xây dựng đường Trần Quốc Hoàn, ban đầu, diện tích nhà ông là 65,5m2, sau giải tỏa chỉ còn lại 25m2. Hiện, ông bà đang ở nhờ nhà người con gái út. Sinh hoạt cũng khá vất vả.
Bà Trần Thị Loan, trú tại số 279 đường Trần Quốc Hoàn cho biết, gia đình bà có 4 người, được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền “tạm cư”, nhưng phải đi thuê nhà mất 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương công nhân của bà chỉ được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Chẳng khá khẩm hơn, bà Lương Thị Thêm, một trong 46 hộ dân tổ 20 bị giải tỏa cũng cho biết, sau khi bị lấy đất GPMB, ngôi nhà số 233 đường Trần Quốc Hoàn của bà còn lại 18m2, hàng ngày bà sử dụng diện tích này bán hàng nước. Chưa biết khi nào được cấp phép xây dựng nên gia đình bà Thêm sống trong cảnh phấp phỏng và tạm bợ. "Hầu hết chúng tôi đều gặp nhiều khó khăn, mong muốn giữ lại mảnh đất còn lại nên nguyện vọng của chúng tôi là được phép xây dựng"- đại diện 46 hộ dân tổ 20 đề đạt.


Dự án đã bị chậm 11 năm, cần sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của các hộ dân tổ 20 và 23

Lý  giải của UBND phường
Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, UBND phường đang đề nghị hỗ trợ tiếp tiền tạm cư cho các hộ dân tổ 20. Đối với gần chục hộ dân đã xây nhà không phép và 46 hộ dân tổ 20 nằm trong diện phải GPMB phục vụ xây dựng đường Trần Quốc Hoàn, ông Hồng cho hay, UBND phường ghi nhận phản ánh của các hộ dân tổ 23 nhưng nhà tái định cư chưa có, đi thuê thì đắt đỏ, bức xúc, nghĩ đất của mình thì cứ xây. Hiện, phường đã đình chỉ thi công, yêu cầu các hộ vi phạm giữ nguyên hiện trạng, đồng thời bố trí một tổ công tác đặc biệt, gồm CA, TTXD để giữ hiện trường.
Mặt khác, ông Hồng cũng cho rằng, theo đúng quy hoạch thì các hộ xây dựng không phép không hề lấn chiếm vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn mà chỉ sử dụng phần diện tích đất còn lại sau GPMB, "và bảo đảm diện tích theo quy định của TP, vì vậy không thể có tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo".
Người dân yêu cầu công khai dự án
Dự  án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn, (còn có tên là đường Tô Hiệu kéo dài) được triển khai từ tháng 6-2000, dự kiến hoàn thành sau đó 2 năm. Nhưng đến nay đã 11 năm con đường này vẫn ngổn ngang, "đội" mức tổng mức đầu tư tăng lên gấp nhiều lần. Cũng vì thế, vấn đề phức tạp dần phát sinh khi một số hộ dân tổ 23 "kiện" một số hộ dân tổ 20 xây dựng nhà không phép, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải công khai dự án.
Được biết, ngày 5-6-2000, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2666/QĐUB phê duyệt "dự án xây dựng đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn". Tuyến đường dài 979m, giao cắt với đường Nguyễn Phong Sắc và kết nối với đường Phạm Văn Đồng, nhằm góp phần hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch của TP, góp phần chỉnh trang đô thị khu vực quận Cầu Giấy khi đó mới thành lập. Dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2002. Theo Quyết định 4335/QĐUB ngày 25-8-2000 của UBND TP về việc "phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán công trình", đường có bề mặt rộng 15m, hè rộng 5 đến 8m, trồng cây xanh trên hè dọc tuyến. Còn tại Quyết định số 5775/QĐ-UB ngày 24-10-2000 của UBND TP, phạm vi quy hoạch có nhà của các hộ dân tổ 20 được Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an phân cho từ năm 1978.
Giải trình của UBND quận Cầu Giấy cho hay, sau khi có các Quyết định kể trên, quận đã tổ chức GPMB thực hiện dự án. Song, do một phần diện tích là đất đã xây dựng công trình nhà ở của cán bộ, chiến sĩ thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an, nằm trong tổ dân phố 20, chưa thể GPMB, nên năm 2005 dự án phải tạm ngừng thi công. Sau khi vận động các hộ dân thuộc diện GPMB không có kết quả, UBND quận Cầu Giấy đã báo cáo lên UBND TP. Sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh cục bộ mặt cắt tuyến đường tại đoạn thắt cổ chai khu vực 200m thuộc tổ 20, song phải bảo đảm mặt cắt đường đủ rộng 25m (lòng đường rộng 15m trên toàn tuyến, vỉa hè hai bên là 5m).
Căn cứ vào đó, ngày 7-7-2009, UBND quận Cầu Giấy đã có tờ trình số 33 liên ngành giữa UBND quận và Tổng cục Kỹ thuật về việc điều chỉnh cục bộ mặt cắt đoạn thắt cổ chai. Theo đó, đoạn xin được điều chỉnh cục bộ có chiều dài khoảng 200m từ ngã tư Trần Quốc Hoàn – Phan Văn Trường tới cổng sau Trường ĐHSP Hà Nội (khu vực 46 hộ dân tổ dân phố 20). Phần chỉ giới đường đỏ của Tổng cục Kỹ thuật khi đó nhô ra so với chỉ giới chung ở dải phía Bắc của tuyến đường được nắn thẳng cùng với việc thu hồi khoảng 320m2 đất phục vụ dự án. Và điều chỉnh lại chỉ giới dải phía Nam khu vực tổ 20. Mặt cắt đường từ 30m điều chỉnh xuống còn 25m, bề rộng mặt đường 15m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
Sao cho thấu lý, hợp tình
Như  vậy, sai phạm của một số hộ dân ở tổ 20 là xây nhà không phép chứ không phải xây nhà lấn chiếm lên vỉa hè. Nghĩa là về pháp lý, phần diện tích còn lại của các hộ dân tổ 20 hoàn toàn hợp pháp. Vấn đề ở chỗ, trong "sổ đỏ" của nhiều hộ dân tổ 23 được cấp sau khi TP có quyết định điều chỉnh cục bộ nêu trên lại vẫn ghi phần đuôi nhà của họ giáp với vỉa hè rộng 8m (thuộc hè đường Trần Quốc Hoàn theo phê duyệt ban đầu). Đơn cử, như “sổ đỏ” của ông Nguyễn Văn Đích được UBND quận Cầu Giấy cấp ngày 9-3-2009, (sau văn bản chấp thuận điều chỉnh của UBND TP), ghi phần đuôi nhà hướng Bắc giáp với vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn, nghĩa là bao gồm cả diện tích còn lại sau GPMB của các hộ dân tổ 20.
Mới  đây, trong buổi làm việc, giải quyết kiến nghị của một số hộ dân nhà B10, tổ 23, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, UBND quận sẽ báo cáo đề nghị UBND TP GPMB và thực hiện dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn theo phê duyệt ban đầu. Còn trước mắt, yêu cầu UBND phường Dịch Vọng Hậu đình chỉ tuyệt đối các trường hợp xây dựng không phép, đồng thời chỉ đạo tiếp tục thi công lòng đường ở phần trùng nhau giữa thiết kế ban đầu với thiết kế theo đề nghị điều chỉnh năm 2008. Nhưng với thông tin này, những hộ dân tổ 20 lại thực sự lo lắng, họ cho rằng, nếu họ vi phạm QĐ 15/2011/QĐ-UBND ngày 6-5-2011 của TP về "quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng" thì không đáng nói. Song, vấn đề ở đây là tuyệt đại đa số đều bảo đảm về diện tích, không có nhà siêu mỏng, siêu méo. Về vấn đề này, mới đây, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị cho 46 hộ dân tổ 20 còn đất đủ điều kiện xây dựng ngoài chỉ giới sau GPMB được xem xét xác nhận nguồn gốc đất và cấp phép xây dựng, còn hộ nào không bảo đảm diện tích sẽ phải hợp khối.
Đường Trần Quốc Hoàn là một trong 8 dự án trọng điểm mà UBND quận Cầu Giấy đặt quyết tâm thu hồi đất dứt điểm trong tháng 12-2011. Đã 11 năm triển khai, hiện dự án vẫn chưa hoàn thành, phát sinh khiếu nại. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân tổ 23, song cần hài hòa lợi ích của người dân tổ 20 sao cho hợp lý, hợp tình.


Theo Quang Minh
(PLXH)

Bình luận (0)