Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần giải pháp đưa nghiên cứu sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Cần có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên nghiên cứu sáng tạo và sự trợ giúp để dẫn dắt sinh viên sau các giải thưởng. Đây còn là giải pháp đưa các sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.


Ông Nguyễn Hoàng Hưng – Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

Đề xuất được đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030”, do Ban Thi đua – Khen thưởng TP.HCM phối hợp Báo Sài Gòn Giải phóng và các đơn vị trong khối thi đua 5, vừa tổ chức.

Cụ thể, đề xuất những giải pháp, Đinh Thanh Nhàn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng TP.HCM cần có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên nghiên cứu sáng tạo và sự trợ giúp để dẫn dắt sinh viên sau các giải thưởng. Bởi hiện nay, tham gia nghiên cứu sáng tạo cần có vốn nhưng sinh viên lại không có. Bên cạnh đó, phần thưởng cho các nghiên cứu hiện chưa xứng đáng với công sức bỏ ra. Có những nghiên cứu phải thực hiện cả năm, thậm chí là 4 năm đại học những giải thưởng lại chỉ để bù lỗ. Nhiều sinh viên chọn cách bán sản phẩm cho doanh nghiệp thay vì mang đi thi.

Từ những kết quả đạt được trong các phong trào thi của Thành đoàn TP.HCM, ông Ngô Minh Hải – Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TP.HCM chia sẻ, Thành đoàn TP.HCM có nhiều giải pháp thúc đẩy, ươm mầm các công trình sáng tạo của thanh niên. Cụ thể là hình thành và duy trì 2 vườm ươm, đã ươm mầm cho nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, phát triển từ những sáng tạo của các bạn. Tuy nhiên,  “Muốn thu hút được sự sáng tạo của người trẻ thì phải có giải pháp để đưa các sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống”, ông Ngô Minh Hải góp ý.

Trong những năm qua, TP.HCM đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hàng năm nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất, trong đó có nhiều phong trào thi đua mang tính sáng tạo được nhân rộng đến nhiều địa phương trên cả nước.


Sinh viên Đinh Thanh Nhàn đề xuất cần có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên nghiên cứu sáng tạo

Với Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 là một trong 51 đề án của 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ XI giai đoạn 2020 – 2025.

Ông Nguyễn Hoàng Hưng – Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP.HCM cho biết, qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, ý tưởng mới thiết thực. Các công trình, giải pháp khoa học được ứng dụng hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh những kết quả tích cực của các phong trào thi đua, vẫn còn một số hạn chế, trong đó chưa tận dụng hết nguồn lực, thế mạnh sẵn có và khơi dậy sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP.HCM. Mặt khác, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế tri thức và xu hướng toàn cầu hóa đang đặt ra cho TP.HCM nhiều thách thức, phải có các giải pháp thích hợp để từng bước xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, sáng tạo và hiện đại.

Vì vậy, huy động nguồn lực xã hội, phát huy khả năng sáng tạo to lớn trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, xã hội trong và ngoài TP.HCM tích cực tham gia thi đua sáng tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hướng đến xây dựng TP.HCM phát triển theo xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm thực hiện tốt đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 được phát triển sâu rộng, PGS.TS Dương Hoa Xô – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cho rằng cần thúc đẩy tuyên truyền mạnh mẽ qua các kênh thông tin truyền thông. Để các giải pháp tham gia có chất lượng thì nên phát triển các cuộc thi từ dưới lên, qua đó chọn lọc và có cơ chế khuyến khích các giải pháp sau khi đoạt giải.


Quang cảnh tọa đàm

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Huyền Trâm – Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng cho rằng, để phong trào thi đua sáng tạo được lan tỏa thì công tác tuyên truyền phải sâu rộng, không chỉ tại các đơn vị, hiệp hội mà còn phải đến được các cộng đồng dân cư.

“Bên cạnh giải pháp khoa học công nghệ, cần khuyến khích các giải pháp sáng tạo để thực hiện các cuộc vận động, phong trào TP.HCM phát động. Qua đó, góp phần cho giải thưởng sáng tạo lan tỏa sâu rộng vào đời sống người dân”, bà Dương Thị Huyền Trâm nói.

N. Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)