Vì không tuyển đủ chỉ tiêu các trường ĐH NCL kiến nghị Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu của trường công lập trong năm 2013
|
Sau năm đầu tiên được phép kéo dài hạn xét tuyển thêm một tháng (đến 30-11), nhiều ĐH ngoài công lập (NCL) lại xin được rút ngắn thời hạn này. Đồng thời, các trường NCL đề nghị Bộ GD-ĐT giảm bớt chỉ tiêu trường công để “chừa phần” cho họ.
Cụ thể, việc xét tuyển được đề nghị sẽ lại duy trì như các năm trước, đến cuối tháng 10. Theo đại diện các trường tham gia Hội nghị tuyển sinh do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL (tổ chức tại TP.HCM vừa qua), việc kéo dài cũng không giúp các trường cải thiện nguồn tuyển.
Mùa tuyển sinh “thảm hại”
“Bê bết, thảm hại” là từ mà TS. Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung – dùng để khái quát về mùa tuyển sinh năm nay của các trường NCL. Theo ông, năm nay các trường công nhất là trường “tốp trên” có quá nhiều lợi thế để hút thí sinh. Bộ GD-ĐT cho phép tự xác định chỉ tiêu, kéo dài hạn xét tuyển đến cuối tháng 11, điểm nguyện vọng sau không cần cao hơn nguyện vọng trước. Vì lẽ đó mà nhiều trường công đã lấy điểm xuống mức sát sàn ở không ít ngành. Phần còn lại cho các trường NCL là không bao nhiêu, bởi tâm lý người học bao giờ cũng ưu ái chọn trường công trước.
Thực tế, trường công được Nhà nước đầu tư, học phí thấp, thời gian tồn tại lâu hơn; nguồn cán bộ, cơ sở vật chất và thương hiệu được xã hội công nhận nhiều hơn. Ngược lại, một số trường NCL chưa tạo dựng được uy tín, thương hiệu và chậm thay đổi cơ cấu ngành nghề. “Qua 3 mùa tuyển sinh, đặc biệt là năm nay, các trường NCL “cạn”, “tắt” nguồn tuyển sinh và nguy cơ giải thể là khó tránh” – TS. Nguyễn Minh Châu nêu thực tế.
TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT – cũng đồng tình khi cho rằng, năm nay tỷ lệ người tốt nghiệp THPT vẫn không giảm so với mọi năm, thế nhưng nguồn tuyển của các trường NCL lại tụt dốc đáng kể. Có trường chỉ tuyển được từ 30% đến 50% chỉ tiêu. Nguyên nhân là thí sinh đổ dồn hết vào các trường công lập. Trong khi đó, chỉ tiêu trường công lại tăng do năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự xác định. “Chỉ cần mỗi trường công tăng 10% chỉ tiêu/năm, kéo theo “thị phần” dành cho các trường NCL tụt giảm, bức tranh tuyển sinh đã có sự thay đổi lớn” – TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Một đại diện khác đặt vấn đề, khâu xác định nguồn tuyển chưa chính xác. Đại diện này cho rằng, điểm sàn được xác định dựa trên tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ cả nước, chất lượng đầu vào (thường lấy sàn từ 13-14 điểm) và lấy dư 170%. Song thực tế trong 3 năm nay, các trường NCL tuyển sinh rất ít, không đủ chỉ tiêu; tổng số lượng thí sinh thi ĐH, CĐ thực tế ít hơn nhiều, thậm chí chỉ vừa đủ chỉ tiêu cho trường công.
Giảm chỉ tiêu trường công
Để lấy lại “phong độ”, hầu hết các trường NCL đề nghị Bộ GD-ĐT cần giảm chỉ tiêu trường công để họ có nguồn tuyển. TS. Lê Trường Tùng cho rằng, bộ cần có lộ trình giảm khoảng 7% chỉ tiêu của các trường công mỗi năm, giảm trong vòng 5 năm.
Các trường còn đề nghị Bộ GD-ĐT ngừng kéo dài xét tuyển đến 30-11, vì có kéo dài cũng không giúp họ tuyển đủ mà gây ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo. Ông Nguyễn Cao Đạt – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long – nêu thực tế: Mặc dù vui sướng vì được kéo dài thời gian xét tuyển song trường vẫn không thể nào tuyển vượt con số 30% chỉ tiêu. “Hiện chưa đến mức độ phải đóng cửa nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này, trường sẽ cực kỳ khó khăn” – ông Nguyễn Cao Đạt khẳng định. Ngoài ra ông còn bác lại quan điểm bỏ điểm sàn mà nhiều đơn vị đề nghị. Theo ông Nguyễn Cao Đạt, cần giữ điểm sàn để các trường khỏi làm… liều. Thay vào đó, chú ý đảm bảo điểm ưu tiên khu vực.
GS.TSKH Phan Quang Xưng – Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông – cũng đồng tình với ý kiến này, bởi khi mất “mốc” sàn chung, nhiều trường sẽ chạy theo chỉ tiêu mà hạ “chuẩn”. Tuy nhiên, điểm sàn cần được xây dựng, tính toán hợp lý để các trường không cạn nguồn tuyển, tránh cứng nhắc, gây “ảo” cao.
Vẫn biết, các trường NCL cần phải nỗ lực khẳng định vị thế, thương hiệu để thu hút người học; song nhiều đơn vị trong cuộc mong muốn Bộ GD-ĐT cần quan tâm, tạo điều kiện để họ phát triển, ít nhất không để các trường NCL phải quá thiệt thòi so với trường công, thậm chí với trường có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Bài, ảnh: M.T
“Không thể ngày một ngày hai mà các trường NCL có thể vươn lên cạnh tranh với các trường công lập. Điều này, bên cạnh yếu tố thời gian (cần khoảng vài thập niên) còn cần có sự bảo hộ đồng bộ của Nhà nước. Khi cả hệ thống giáo dục ĐH, CĐ NCL tồn tại và phát triển theo chính sách xã hội hóa đang có nguy cơ bị giải thể thì chúng tôi không nhận được một lời bênh vực, thay vào đó chỉ nhận được sự phê phán và cũng chưa có giải pháp cứu vãn tình thế một cách đồng bộ” – TS. Nguyễn Minh Châu thẳng thắn bày tỏ. |
Bình luận (0)