Trò chơi mang tính lừa đảo như thế này ngày càng nhiều trên mạng. Là nhà quản lý cả viễn thông cho đến truyền hình, tôi nghĩ Bộ Truyền thông Thông tin (TTTT) cần nghiên cứu thật kỹ, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với hàng lọat trò chơi mang tính lừa đảo, bài bạc qua mạng tương tự như thế!
Tin nhắn chúc mừng người chơi đoạt giải. Ảnh T.T.D |
Phan A (Theo TTO)
* Khi đọc bài báo tôi thấy có nhiều điều phải đặt ra cho người chơi, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhà kinh doanh và đặc biệt là các cơ quan quản lý.
Rõ ràng trò chơi cũng gần giống như đánh bạc vậy, nguy hiểm hơn khi đối tượng chơi lại là học sinh sinh viên, người trẻ tuổi, vừa tốn tiền, vừa tiêu tốn thời gian, ảnh hưởng đến việc học hành.
Có lẽ những người tốn hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng không phải là ít, trong khi tôi làm kinh doanh một tháng cũng chỉ tiêu tốn khoảng dưới 1 triệu đồng cước viễn thông. Bỏ ra hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng chỉ mong hy vọng trúng được một giải thưởng nhỏ. Rõ ràng đây là một cách kinh doanh siêu lợi nhuận.
Đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét và chấm dứt ngay các hình thức kinh doanh kiểu này vì nó chỉ đem lợi nhuận đến một số rất ít người trong khi nó ngày càng đem lại ảnh hưởng xấu cho xã hội, đặc biệt là các em học sinh.
Nguyễn Tuấn Anh (TP.HCM)
* Đúng là trò chơi câu khách vì may rủi và "quá mạo hiểm" với người chơi. Tôi nghĩ đã có sự móc nối giữa nhà tổ chức chương trình và các trung tâm nhắn tin của chương trình.
Những phản hồi tin nhắn từ phía trung tâm nhắn tin gửi lại cho người chơi là cách làm cho người chơi bị kéo vào. Người lớn còn có thể chủ động còn với những em thiếu niên thì rất "hiếu thắng", nên không thể chủ động được là điều đương nhiên. Và trường hợp cháu anh Hưng mà báo Tuổi Trẻ nói trên chỉ là trường hợp điển hình trong rất nhiều trường hợp khác.
Không biết, theo suy nghĩ của tôi, kiểu trò chơi này chỉ dành cho người trúng giải nhắn nhiều tin nhắn nhất đến tổng đài chứ không phải nhắn tin trả lời đúng câu hỏi mà trò chơi đưa ra… Nếu vậy, trò chơi này nên dừng lại là tốt nhất… Đừng có "móc" tiền người chơi theo kiểu "may rủi" có tính toán đó nữa.
Vĩnh Phú
* Tại sao có những trò chơi dạng đỏ đen như vậy mà cơ quan chức năng lại không có ý kiến? Hiện nay dịch vụ xổ số chẳng hạn, đều phải do Bộ Tài chính cấp phép, còn những dịch vụ mang tính đỏ đen khác như cá cược bóng đá, lô đề… đều là vi phạm pháp luật. Dù có thực hiện qua kênh bán hàng nào (sms, online…) thì bản chất vẫn là đỏ đen.
Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần kiểm tra và thanh tra lại về vấn đề này, không chỉ đổ lỗi cho các mạng viễn thông, mà cái chính là công ty tổ chức trò chơi Chiếm hữu đã thu lợi từ dịch vụ này có được phép cung cấp những game kiểu như vậy không? Công ty có đăng ký về thể lệ chơi… với các cơ quan chức năng không, hay là đơn phương áp dụng để lừa người tiêu dùng?
Cách giám sát của trò chơi có hợp lệ công bằng và khách quan không khi do công ty đó quyết định khi nào nhả tin trúng giải chứ không phải là ngẫu nhiên theo đúng bản chất của nó? Cần có chế tài hạn chế và quy định về các game chơi trên sms. Và các nhà đài phải chịu trách nhiệm vì tuyên truyền những game không được phép gây hiểu lầm cho khách hàng. Chẳng có gì là không xử lý được cả.
Nguyễn Thị Hương Trà
* Tôi rất bất bình trước sự việc của anh Nguyễn Trung Hiếu, có thể nói đây là trò lừa đảo, phát luật VN nên cấm các trò chơi tương tự và nghiêm trị. Điện thoại của tôi cũng vẫn thường nhận được những tin vớ vẫn như vậy, hơn nữa các mạng điện thoại cũng không được cung cấp các đầu số cho các trò chơi này, khách hàng đã tin dùng dịch vụ thì dịch vụ cũng phải biết bảo vệ khách hàng, tránh cho khách hàng những sự làm phiền vô nghĩa, nhiều lúc nửa đêm trong lúc ngủ say cũng nhận được những tin nhắn làm phiền.
Nguyen Nhu Phu Cuong
* Qua trò chơi này, ngoài giải thưởng nghe có vẻ hấp dẫn thì bạn sẽ học hỏi được điều gì? Thời gian bạn phải ngồi để nhắn tin là dài vô tận và số tiền mà bạn phải bỏ ra đương nhiên không nhỏ (chưa biết có đoạt giải hay không). Sự trung thực của trò chơi cũng là một yếu tố cần được người chơi quan tâm và lưu ý. Bạn đang ở hạng tư ư, hãy cố lên một tí sẽ có giải. Bạn đang ở hạng nhì ư, nào cố lên, sắp đoạt giải nhất rồi. Làm sao dừng lại được, thôi thì như nhiều người chơi nghĩ, “phóng lao thì phải theo lao”, và một kết cục như báo Tuổi Trẻ đã đăng.
Đào Anh Dũng
* Các trò chơi nhắn tin hiện nay đều nhắm vào lòng tham của con người, một tin nhắn ít tiền, nhưng được giải lớn. Người chơi quên nghĩ đến số lượng nhiều. Các trò nhắn tin thì chỉ có rủi chứ không có may, phần mềm của trò chơi do con người viết – chỉ cần đưa vào một số điều kiện thì đảm bảo nhà cung cấp sẽ không bao giờ lỗ.
Mã nguồn của các trò chơi nhắn tin có đảm bảo đã được kiểm duyệt không? Với hệ thống các đài truyền hình có khắp nước và các trò chơi này dường như đài nào cũng có, thử hỏi còn bao nhiêu người dân ở vùng sâu vùng xa bị rơi vào cảnh này? Bài báo của Tuổi Trẻ gióng lên hồi chuông, nhưng các tờ báo này có về được tới tay người dân vùng sâu vùng xa không?
Huỳnh Mỹ Ngọc
* Gia đình của tôi luôn theo dõi Tuổi Trẻ Online, chúng tôi không bị lừa vào các cuộc chơi mà báo chí đang cảnh tỉnh. Nhưng tôi thấy thật xót xa, dân mình còn nghèo, dân trí còn thấp, sao nhà nước để cho các đài truyền hình và các công ty kinh doanh làm như vậy! Ai quản lý những trò chơi này? Ai chịu trách nhiệm trước sự sa ngã thương tâm của con trẻ và cả người lớn do bắt chước đài báo?
Hương Giang (Nha Trang)
* Tôi thường xuyên đi xe bus, và mỗi lần trên xe mở đài radio đều quảng cáo của trò chơi Chiếm hữu. Tôi nhận thấy các trò chơi thông qua nhắn tin mà các đài tổ chức không ít thì nhiều đều có tính không minh bạch và mang tính ăn thua cờ bạc. Vậy mà nó vẫn tồn tại và phát triển như không hề có chuyện gì. Theo tôi, việc tồn tại của dịch vụ trò chơi này cũng là phương pháp lách luật của trò cá độ thể thao thôi. Mong sao những người nhẹ dạ và hám lợi biết để không mang thiệt về minh.
Hưng
Bình luận (0)