Việc sao chép tài liệu, giáo trình… “không phép” hiện đang diễn ra phổ biến trong sinh viên (SV) mặc dù hành động này là trái luật. Một lần nữa, vấn đề quản lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường ĐH-CĐ lại được đề cập tại hội thảo “Thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong trường ĐH” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 16-6.
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa (chuyên viên Cục Bản quyền tác giả) khẳng định, quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các trường ĐH không chỉ góp phần hình thành ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ mà còn làm gia tăng giá trị thương mại các kết quả nghiên cứu trong nhà trường. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các trường ĐH nước ta hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các quy định chi tiết về quyền sở hữu của nhà trường đối với các tài sản phát sinh trong quá trình nghiên cứu, học tập; thiếu đơn vị chuyên trách có chức năng giải quyết các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát sinh ngay tại trường; trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát và khống chế hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nghèo nàn. Nhận thức và cơ chế quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong nhà trường còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên phổ biến trong các trường ĐH. Cũng theo ThS. Hoa, pháp luật các nước đều có quy định về giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. Tại các điểm photocopy luôn có dán lời cảnh báo tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, cấm sao chép bất hợp pháp. Các trường có hẳn điều khoản quy định cấm sao chép bất hợp pháp ngay trong hợp đồng ký kết với nhà cung ứng dịch vụ này. Nhà trường còn phối hợp với một số nhà phát hành, hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả để đặt mua sách báo có bản quyền với giá ưu đãi phục vụ sinh viên.
Ở nước ta, còn tình trạng SV “làm ngơ” với luật, cứ sao chép tài liệu trái phép để tiết kiệm chi phí. TS. Lê Văn Hưng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, không ít hàng quán xung quanh trường học cứ “thản nhiên” sao chép giáo trình, tài liệu… bán giá rẻ cho sinh viên với lý lẽ “biết là trái quy định nhưng vì thương SV nên vẫn làm”!? Để nâng cao ý thức thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường ĐH, TS. Hưng đặt vấn đề thành lập đơn vị chuyên trách về sở hữu trí tuệ trong trường đảm trách các nhiệm vụ xây dựng các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường; hỗ trợ giảng viên, nhà nghiên cứu để xin giấy phép và ký các hợp đồng dịch thuật, biên khảo với bên ngoài; giúp đỡ các tác giả khiếu kiện khi có vấn đề tranh chấp liên quan… Việc đưa nội dung về sở hữu trí tuệ để trang bị, hướng dẫn SV ngay trong tuần sinh hoạt đầu năm tại các trường; đưa nội dung giảng dạy về sở hữu trí tuệ vào chương trình giảng dạy cho SV cũng đã được nhiều đại biểu nhấn mạnh nhằm giúp SV hiểu và làm đúng quy định. Ngoài ra, còn cần có chính sách hỗ trợ để SV có thể tiếp cận sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo chính bản thông qua các hình thức trợ giá, quản lý các điểm photocopy, tăng đầu sách cho thư viện… Hiện nay, sự khan hiếm sách trong thư viện cũng là một trong những nguyên do khiến SV tìm đến nguồn sách “giá rẻ” bên ngoài. TS. Hưng đơn cử, tại chính thư viện của trường, một giáo trình của giáo viên chỉ được thư viện trang bị khoảng 10 bộ phục vụ SV, thực tế không đáp ứng đủ nhu cầu.
M.T
Bình luận (0)