Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm

Tạp Chí Giáo Dục

“Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu!”. Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị trí của tiết kiệm như vậy từ lâu. Việc tiết kiệm, tránh lãng phí mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước về mọi mặt. Tiết kiệm cũng là một đức tính cao đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, trong nhà trường hiện nay, ý thức tiết kiệm của học sinh còn rất yếu do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là các em sinh ra trong gia đình có kinh tế khá giả hoặc từ nhỏ, chưa được dạy dỗ về đức tính tiết kiệm nên chưa hình thành được ý thức này.

Dạo một vòng các trường lớp hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến “muôn hình muôn vẻ” của sự lãng phí. Đó là một chai nước uống mới nửa rồi vứt bỏ; một nửa hộp thức ăn bỏ vào thùng rác; những tờ giấy chỉ viết mấy dòng, mặt kia còn nguyên bị xả lăn lóc; những cây viết còn hơn phần ba mực bị bỏ đi không tiếc… Tôi còn nhớ một bức hình ghi lại một cuộc họp của các quan chức Nhật Bản. Khi cuộc họp tan, chai nước của ai người đó cầm về nếu chưa uống hết. Và còn biết bao câu chuyện về tinh thần tiết kiệm, biết trân trọng những sản phẩm do người lao động làm ra.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” – hạt gạo mình ăn thấm bao giọt mồ hôi của người cày cấy. Các em đã được học từ lớp nhỏ như vậy nhưng càng lớn càng tỏ ra thiếu ý thức tiết kiệm.

Bên cạnh đó, học sinh bây giờ rất lãng phí thời gian. Việc học bị xao nhãng bởi mạng xã hội, bởi các trò chơi trên điện thoại thông minh. Vì vậy, thầy cô cần giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ những việc nhỏ thường ngày. Có thể nhắc nhở các em trong tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần. Hoặc trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình để giáo dục các em về tính tiết kiệm. Song song đó, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt Đoàn – Đội, giáo viên cũng cần lưu ý các em về tiết kiệm, tránh lãng phí và đặc biệt, có thể tích hợp, lồng ghép trong bài dạy… Khẩu hiệu trong lớp mang nội dung rèn luyện ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cũng mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường về ý thức tiết kiệm là hết sức cần thiết. Từng lời khuyên, từng lời nhắc nhở, răn dạy, làm gương sẽ hình thành ý thức tiết kiệm trong nhận thức của các em.

Lê Lam Hng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)