Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình nghe các đồng chí công an quận giảng dạy về an toàn giao thông trong một giờ học ngoại khóa |
TP.HCM đang trong tiến trình hiện đại hóa nên phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề về giao thông (GT) đô thị quá tải, ý thức văn hóa ứng xử không đồng nhất, ý thức chấp hành pháp luật về GT của thanh thiếu niên (TTN) chưa cao… Vì thế, bên cạnh một số các biện pháp về hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai thì việc giáo dục văn hóa giao tiếp cũng như kỹ năng ứng xử cho TTN khi tham gia GT là rất cần thiết cho trật tự an toàn GT ở thành phố.
Thiếu kỹ năng ứng xử
Ngày 30-1-2010, một đôi nam nữ chạy xe Attila trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) có va quẹt nhỏ với chiếc xe Wave do hai người đàn ông điều khiển. Sự việc chỉ có vậy nhưng hai bên lại “xé to ra”. Sau khi cãi vã xong, hai bên bỏ đi. Tưởng chuyện như vậy đã xong, không ngờ, đi được 100m, người thanh niên điều khiển xe Attila bất ngờ rút dao đâm sau lưng người ngồi sau chiếc Wave. Người đàn ông bị đâm nhảy xuống xe đuổi theo thì bị đâm tiếp hai nhát vào ngực nên bị tử vong. Tình trạng tương tự như trên cũng đã xảy ra khi hai thanh niên đi xe va chạm ở Q.1, sau đó xô xát, cãi nhau và dùng dao Thái đâm chết người vào tháng 9-2010…
Đây là những dẫn chứng được TS. Nguyễn Văn Nghệ, T48 Bộ Công an đưa ra để nói về ý thức của TTN Việt Nam khi tham gia GT. TS Nghệ nhận định: “Chỉ một vài hiện trạng trên đã cho chúng ta thấy thực trạng văn hóa GT của TTN nước ta đang xuống cấp trầm trọng. Cốt lõi của vụ việc chỉ là những va chạm GT nhỏ nhưng do các bạn trẻ thiếu kỹ năng ứng xử giao tiếp khi tham gia GT nên đã để xảy ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc”.
Yếu kém về văn hóa GT cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng TTN vi phạm Luật GT khá phổ biến trên địa bàn TP.HCM. Theo thống kê của Ủy ban An toàn GT quốc gia, trung bình mỗi năm có hơn 30.000 người chết và bị thương do tai nạn GT, trong đó có hơn 1/3 số nạn nhân của các vụ tai nạn GT là trẻ em, TTN. Cũng theo điều tra mới đây của Ủy ban An toàn GT, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia GT có độ tuổi từ 16 đến 35; gần 80% sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Thậm chí nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe nhưng vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.
“Bé không vin, lớn gãy cành”
Tình trạng ngày càng nhiều TTN vi phạm Luật GT đang là một vấn đề được xã hội quan tâm. Hầu hết, các chuyên gia cho rằng một trong những đặc điểm chung ảnh hưởng tới hành vi này là do tâm lý lứa tuổi. Ở lứa tuổi TTN, “cái tôi” của các em quá lớn. Trong nhiều trường hợp, sự tự đánh giá về bản thân không ổn định và có tính mâu thuẫn thể hiện trong nhận thức vấn đề cũng như cách thể hiện hành vi cụ thể. TS. Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ thành phố chia sẻ: “Một trong các đặc điểm tâm lý – xã hội của thanh niên ngày nay có ảnh hưởng đến hành vi GT là tính chủ quan và thiếu kiên trì của họ. Nhiều trường hợp, một số bạn trẻ nghĩ rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người cần có tác phong nhanh nhẹn, dẫn đến việc thiếu cân nhắc và đôi khi có các quyết định hết sức cảm tính nên trở thành nông nổi, manh động đến ngang tàng…”.
Cùng với “cái tôi” của mình, xã hội cũng là một nhân tố lớn tác động đến hành vi của TTN khi tham gia GT. “Việc thường xuyên tiếp xúc với những trào lưu văn hóa chưa được chọn lọc từ phim ảnh, game online… của TTN vô tình đã hình thành nên những hành vi, cách ứng xử thiếu tính kiềm chế và kém nhã nhặn. Ngoài ra, sự thiếu gương mẫu của người lớn khi tham gia GT cũng tác động tiêu cực đến sự hình thành ý thức của lớp trẻ, lâu ngày sẽ trở thành một kiểu ứng xử sai lệch so với chuẩn mực văn hóa GT”, bạn Nguyễn Thị Tuyết Lan, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tâm sự.
Bàn về vấn đề, ThS. Nguyễn Thị Thu Hòa, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân cho biết: “Các ngành, các cơ quan chức năng chưa thực sự chú ý đến việc xây dựng nếp sống văn hóa cho TTN khi tham gia GT. Việc xây dựng một xã hội có văn hóa GT không thể làm một sớm một chiều mà phải thường xuyên, lâu dài và qua từng thế hệ. Vì vậy, mỗi cá nhân cần được giáo dục nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia GT ngay từ nhỏ như lời các cụ xưa đã dạy “bé không vin, lớn gãy cành”. Nếu trẻ nhỏ không được trang bị kiến thức pháp luật về GT, không có ý thức tham gia GT an toàn cho mình và cộng đồng thì chắc chắn khi lớn lên chúng khó có thể trở thành người có văn hóa GT”.
Bài, ảnh: Hà Xuyên
Bình luận (0)