Tòa soạnThư đi – tin lại

Cần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc bài Vứt rác nơi công cộng đã thành “bệnh” trên Báo Giáo Dục TP.HCM số 1.118, tôi rất đồng tình. Ở nước ta, bất cứ nơi công cộng nào cũng có biển “Cấm vứt rác” nhưng rác vẫn tràn ngập từ đường phố, công viên cho đến bệnh viện, hay cả những nơi linh thiêng như đền, chùa. “Tiện đâu vứt đấy” đã trở thành thói quen của hầu hết người dân Việt Nam nói chung và dân thành thị như Hà Nội nói riêng. SV-HS đi học sớm cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, không một chút áy náy. Các bạn ném rác qua cửa sổ xe buýt một cách táo tợn mà không thèm để ý người đứng dưới. Các quán vỉa hè lúc nào cũng tràn ngập rác, nhiều người ăn xong ném luôn giấy bẩn, vỏ chanh xuống đất. Cứ như thế, họ ngồi ăn trên đống rác của nhau cùng lũ giòi bọ, ruồi muỗi vo ve xung quanh. Làm như vậy, họ được gì? Họ chẳng được gì ngoài ánh mắt khinh thường của mọi người xung quanh. Họ mất gì? Họ mất cơ hội được sống trong một môi trường trong sạch, họ mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tài nguyên mà họ đã vô tình phá hoại… Nhưng đâu phải chỉ có họ chịu các mất mát đó mà người xung quanh cũng mất đi những thứ ấy và thậm chí các thế hệ sau này đều không được hưởng. Nguyên nhân của việc này là do tư tưởng sai lệch. Nhiều người nghĩ có phải nhà mình đâu mà mình giữ, mình không vứt người khác cũng vứt đã khiến họ dễ dàng vứt rác một cách không suy nghĩ, thậm chí vứt rác ngay cạnh thùng rác! Nếu muốn dọn sạch rác ở đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên, phải dọn sạch “rác” trong tư tưởng mọi người. Muốn người dân Việt Nam trở nên văn minh, lịch sự, điều quan trọng nhất là phải ngay từ bây giờ, giáo dục các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, nhà trường sẽ phải thật cố gắng tổ chức những tiết học về môi trường cho các em, giúp các em hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường…
Lê Phương Như (Hà Nội)

Bình luận (0)