Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần Giờ “thay da đổi thịt”

Tạp Chí Giáo Dục

Cầu Vàm Sát bắc qua con sông cùng tên thuộc xã Lý Nhơn được xây dựng từ năm 2002. Đây là một trong những công trình khẳng định sự phát triển của Cần Giờ
Từ “vùng đất chết” do ảnh hưởng bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh, hiện Cần Giờ đã vươn mình phát triển mạnh về mọi mặt.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Cần Giờ (TP.HCM) là vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Sau 1975, cùng với sự phát triển chung của thành phố, huyện Cần Giờ từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ là lá phổi xanh của TP.HCM mà nơi đây còn là một đô thị du lịch sinh thái rừng – biển thu hút du khách trong và ngoài nước.
Những ngày đầu sau giải phóng
Theo Đại tá Lê Bá Ước, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cần Giờ hứng 2 triệu tấn bom đạn, kinh khủng hơn là vùng đất này lại bị tàn phá bởi hơn 4 triệu gallons (1 gallons bằng khoảng 3,8 lít – PV) chất độc hóa học, trong đó có trên 600.000 gallons chất độc da cam). “Làng mạc bị tàn phá, nỗi đau ly tán, mất người thân. Hàng chục ngàn hécta rừng ngập mặn bị hủy diệt hoàn toàn bởi chất độc hóa học… Sau chiến tranh, 40 năm khôi phục và phát triển, huyện Cần Giờ chuyển mình như hôm nay là một kỳ tích”, Đại tá Ước khẳng định.
Lão ngư Nguyễn Thành (ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) nhớ lại: “Trước đây, muốn đi trung tâm TP.HCM phải mất 7-8 tiếng đồng hồ, đường sá đi lại khó khăn, cách trở phải qua nhiều bận phà. Sau này có đường Rừng Sác rộng thênh thang với nhiều làn xe, nối từ phà Bình Khánh đi về trung tâm huyện – ông Thành nheo mắt nói tiếp – Từ năm 1990, điện lưới quốc gia đã được kéo về Cần Giờ, tuy một số địa phương vùng sâu chưa có nhưng đời sống của người dân cũng đã “sáng sủa” hơn. Trước đó, chỉ ở các cụm dân cư tập trung trong xã mới có máy phát điện, nước ngọt phải mua từng can, từng thùng…”.
Con đường Rừng Sác trước đây chẳng khác nào đường làng, rộng chỉ 3m, hai bên đường cây cối um tùm, hoang vu. Bây giờ đi qua đây, cứ vài trăm mét là thấy những căn nhà nhỏ của các hộ giữ rừng chứ ngày trước thấy toàn là khỉ, họa hoằn mới có bóng người. Việc đi lại bằng đường bộ vào mùa mưa là nỗi ám ảnh của người dân. Nhắc đến chuyện đi phà ngày trước, ông Thành trầm ngâm: “Mỗi ngày chỉ có một chuyến phà từ Bình Khánh sang Nhà Bè và ngược lại. Nhà không may có người bệnh đau, cần kíp đi bệnh viện lớn cũng không dễ chứ chẳng như bây giờ mỗi ngày có hàng trăm chuyến phà qua lại”. Hiện nay, từ đường Rừng Sác về thị trấn và các xã rộng thênh thang trải nhựa phẳng lì, rợp bóng mát từ cánh rừng đước bạt ngàn.

Học sinh Trường TH Bình Thạnh trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học 2013-2014
Những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào việc mò cua bắt ốc. Gia đình có điều kiện thì sắm chiếc xuồng, chiếc ghe và lưới để đánh bắt gần bờ. Nghề muối cũng là nghề truyền thống, trang trải được cái ăn hàng ngày, tuy chật vật nhưng đã giúp không ít hộ gia đình thoát nghèo. Vào mùa, học sinh cũng có việc làm thêm từ nghề muối để dành dụm tiền đóng học phí, mua sách vở, học cụ. “Công việc không hề đơn giản bởi môi trường nước ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản bị hủy diệt”, ông Thành nói.
Có một Cần Giờ đổi thay
Khi còn là Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cần Giờ, ông Đoàn Văn Thanh (nay là Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM) luôn đau đáu về chuyện học hành của con em trên địa bàn. Chuyện về tương lai của những đứa trẻ có nguy cơ bỏ học luôn được ông nhắc đến ở bất kỳ nơi đâu, thời điểm nào. Ông bảo: “Tôi đã thấm thía cảnh cực khổ, nên trong khả năng, làm được gì cho các em thì hãy cứ làm. Tương lai của các em là tương lai của Cần Giờ”.
“Trước đây cái ăn hàng ngày không phải gia đình nào cũng bươn chải nổi, đừng nói chi đến chuyện cho con đi học. Nay số trẻ bỏ học và có nguy cơ bỏ học vẫn còn nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp…”,thầy Trương Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Doi Lầu, cho biết.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng chỗ học cho con em trên địa bàn, giảm tải ở các điểm trường, xóa trường học tạm, UBND TP.HCM đã đầu tư kinh phí xây mới nhiều ngôi trường như: Trường Tiểu học Vàm Sát, Doi Lầu, An Nghĩa; Trường THPT An Nghĩa… Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ thầy cô giáo yên tâm công tác lâu dài ở xã đảo, mới đây, Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà công vụ với diện tích sàn xây dựng 55m2, với tổng kinh phí xây dựng 400 triệu đồng. Trước đó, Công đoàn ngành giáo dục cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông.
Trong lần chúng tôi về thăm Trường THCS Doi Lầu, thầy Trương Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường, đã chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, những người sinh ra trong hòa bình từng ngày chứng kiến sự đổi thay của Cần Giờ. Trước đây cái ăn hàng ngày không phải gia đình nào cũng bươn chải nổi, đừng nói chi đến chuyện cho con đi học. Nay số trẻ bỏ học và có nguy cơ bỏ học vẫn còn nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp, phần vì đời sống kinh tế ổn định hơn và ý thức của người dân cũng được nâng cao hơn”.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Đưa lưới điện quốc gia ra xã đảo Thạnh An
Hiện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đang tiến hành dự án đưa lưới điện quốc gia ra xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Thạnh An là xã nằm hoàn toàn tách biệt với 4 bề là biển, cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. “Muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu bà con ngư dân cũng không được vì lâu nay nguồn điện từ máy phát chỉ đủ phục vụ sinh hoạt. Chúng tôi mong từng ngày xã đảo Thạnh An đón điện quốc gia”, ông Nguyễn Văn Hải, chủ tàu đưa đón khách ra vào xã đảo, nói. 
 

Bình luận (0)