Sử dụng chuẩn tiếng mẹ đẻ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, cũng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có giới truyền thông, với ý thức trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Gần đây, chúng tôi được đọc bài báo “Đôi điều về vần trong thơ lục bát” đăng trên một tạp chí ngày 18-3-2025, thấy có vài vấn đề ngộ nhận về vần, âm trong tiếng Việt cần thiết phải trao đổi thêm cho sáng tỏ.
Khái niệm âm, vần trong chương trình tiểu học
Chương trình tiểu học cung cấp cho học sinh kiến thức phổ thông về tiếng, vần, âm trong tiếng Việt rất cụ thể và dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các em. Theo đó, đơn vị ngữ âm cơ bản của tiếng Việt là tiếng (âm tiết), có cấu trúc gồm 3 bộ phận: thanh điệu – âm đầu – vần; trong đó, phần vần gồm âm đệm – âm chính – âm cuối, theo lược đồ sau:
Tiếng Việt có 6 thanh điệu: thanh huyền, thanh ngã, thanh hỏi, thanh sắc, thanh nặng và thanh ngang (thanh không dấu). Âm đầu tiếng Việt – luôn là phụ âm – gồm 22 âm/âm vị, được ghi bằng 27 con chữ: b, c (k, q), ch, d (gi), đ, g (gh), nh, h, kh, l, m, n, ng (ngh), p, ph, r, s, t, th, tr, x, v.
Về 3 thành tố trong phần vần, âm đệm tiếng Việt chỉ có duy nhất một bán nguyên âm /-u̯-/, được ghi bằng một trong 2 con chữ, u hoặc o, Ví dụ: huy, tuấn, quyên; hoa, toán, khoan…
Âm chính tiếng Việt – luôn là nguyên âm – có 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi, trong đó, 11 nguyên âm đơn được thể hiện bằng 12 con chữ: a, ă, â, e, ê, i (y), o, ô, ơ, u, ư; 3 nguyên âm đôi là những tổ hợp gồm 2 nguyên âm, được thể hiện qua 8 hình thức con chữ: iê (iê, yê, ia, ya), uô (uô, ua), ươ (ươ, ưa).
Còn âm cuối tiếng Việt có 8 âm vị, gồm 6 phụ âm, được thể hiện bằng 8 con chữ: p, t, c (ch), m, n, ng (nh) và 2 bán nguyên âm được thể hiện bằng 4 con chữ /-u̯/: u, o và /-i̯/: i, y.
Căn cứ vào lý thuyết trên, thử khảo sát một bài tập trong chương trình tiểu học, chúng ta có bảng phân tích âm tiết sau:
(Ghi chú: những ô trống – màu xanh – thể hiện bộ phận bị khuyết)
Như vậy, tiếng có thể khuyết phụ âm đầu, nhưng luôn có vần và thanh điệu; vần có thể khuyết âm đệm, âm cuối, nhưng tất yếu phải có âm chính.
Về một số nhận định chưa chuẩn xác
Không phải “cùng và lùng hiệp với nhau bởi nguyên âm u và hai phụ âm n, ng” (sic), mà đúng ra là “cùng và lùng hiệp với nhau bởi chung vần ung”:
Không phải “Sơn và nguồn hiệp với nhau bằng hai nguyên âm ơ, ô và phụ âm n – mặc dù các nguyên âm chỉ khác nhau một cái dấu” (sic), mà đúng ra là “Sơn và nguồn hiệp với nhau bởi vần ơn với vần uôn” theo bảng sau:
“… câu lục vần với câu bát bởi hai nguyên âm (ô và i)” (sic), cần sửa lại cho chuẩn “câu lục vần với câu bát bởi chung vần ôi”; còn “… câu lục vần với câu bát bởi một nguyên âm (ô) và hai phụ âm (n, g)” (sic) cũng cần viết cho đúng là “câu lục vần với câu bát bởi cùng vần ông”.
Đáng tiếc nhất, trong dẫn liệu trên, tác giả đã nhầm lẫn nghiêm trọng khi nhập “h” vào phần vần: “… câu lục vần với câu bát bởi một phụ âm (h) và ba nguyên âm (i, ê, u)” (sic). Bởi “h” là thành tố của âm đầu “nh”, không tham gia vào việc tạo vần, còn phần vần “iêu” của cả 2 tiếng trên thì trùng nhau hoàn toàn, bao gồm nguyên âm đôi “iê” và bán âm cuối “u”, nên nói “ba nguyên âm (i, ê, u)” là không thỏa đáng, thậm chí bị sai lệch trầm trọng. Cần lưu ý quy tắc: “nguyên âm không bao giờ làm âm cuối” mà chỉ có 8 phụ âm và 2 bán nguyên âm (như đã dẫn trên) đảm đương nhiệm vụ này mà thôi, nên trong cả hai tiếng nhiều – chiều, âm cuối không phải là nguyên âm /u/, mà là bán âm đệm /-u̯/, do đó phải sửa lại cho chuẩn: “câu lục vần với câu bát bởi cùng vần iêu”, như bảng sau:
Tóm lại, phân tích các tiếng chứa vần trong những dẫn liệu đã nêu, chúng ta có:
Khái niệm vần trong ngữ âm học này cũng chính là khái niệm vần được sử dụng trong thơ/văn vần nói chung và thơ lục bát nói riêng; khi hiệp vần trong thơ, chúng được gọi là vần bằng gồm các tiếng mang thanh huyền và thanh ngang, còn nếu chúng mang thanh hỏi, ngã, sắc, nặng thì được gọi là vần trắc.
Qua vài lời góp ý này, chúng tôi muốn giúp bạn đọc có dịp nhìn lại một số kiến thức giáo khoa về tiếng, vần, âm của ngữ âm tiếng Việt mà mình đã từng được học trong trường phổ thông; đồng thời cũng tha thiết mong mỏi các tác giả truyền thông nên cẩn trọng, chuẩn xác hơn khi nêu các nhận định về ngữ âm tiếng Việt trong các bài viết của mình, trên cơ sở cầu toàn, tham khảo, tra cứu thêm các giáo trình chuyên ngành.
Xác định ý thức và hành động cần phải nói – viết chuẩn tiếng mẹ đẻ là công việc quan trọng, bức thiết, lâu dài; đó không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có giới truyền thông, trong hành trình trân trọng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Đỗ Song Quyên
Bình luận (0)