Trong thời gian ngừng hoạt động, nhiều xã viên hợp tác xã xe buýt phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ để đóng lãi suất, tiền vốn vay mua xe hằng tháng cho ngân hàng
"Chưa bao giờ xe buýt lâm vào tình cảnh khó khăn như vậy, nếu đợt dịch bệnh này qua, tôi chỉ mong sang nhượng lại mấy chiếc xe vì không thể kham được nữa. Tôi đuối lắm rồi" – ông Nguyễn Văn Quý, xã viên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Vận tải TP HCM, than thở.
Vay mượn tứ bề
Ông Quý kể ông có tổng cộng 8 xe buýt chạy tuyến 14, trước Tết khi chưa có dịch Covid-19, doanh thu mỗi xe được 1,2 triệu đồng/ngày, trừ lương tài xế, tiếp viên, còn dư chút đỉnh để ông đổ dầu, trang trải cuộc sống. Thế nhưng từ sau Tết đến ngày 28-3, do ảnh hưởng dịch, lượng khách giảm mạnh, mỗi xe chỉ chạy được 500.000 -600.000 đồng/ngày, không đủ vào đâu.
Thời điểm này vì túng quá, ông Quý phải cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vay ngân hàng hơn 2 tỉ đồng để vừa chi trả lương cho tài xế, tiếp viên, vừa đổ dầu, sửa xe, vừa chi trả lãi và nợ gốc khi vay ngân hàng mua 8 chiếc xe. "Một tháng tiền lãi và gốc của mỗi xe khoảng 18 triệu đồng, tháng 3 này tôi đã đóng rồi, còn tháng 4 không biết ngân hàng sẽ tính sao. Ngoài tiền lãi của ngân hàng, mỗi xe tôi phải tốn 1,5 triệu đồng tiền thuê bãi đậu hằng tháng, tính ra không chạy ngày nào nhưng mỗi tháng tốn gần 20 triệu đồng/xe" – ông Quý nói mình như ngồi trên đống lửa, nhất là từ thời điểm sau ngày 28-3 đến nay, khi xe buýt dừng hẳn hoạt động.
Tuy chỉ có một chiếc chạy tuyến 56 nhưng ông Phan Minh Trung, xã viên HTX Quyết Thắng, nói như mếu: Qua dịch nếu ngân hàng xiết nợ bằng cách phát mãi xe thì chúng tôi cũng đành chịu bởi tuyến 56 hoạt động lỗ lã nhiều tháng ròng chứ không riêng gì trong đợt dịch này. Theo ông Trung, từ khi đổi xe mới đến nay, ông chưa trả lãi được đồng nào tiền gốc và lãi vay mua xe bởi tiền trợ giá chỉ đủ đổ dầu cho xe chạy, trong khi đích thân ông phải lái xe, vợ ông làm tiếp viên. Vì HTX ứng tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng nên vợ chồng ông nợ HTX khoảng 400 triệu đồng. Do nguồn vốn của HTX đã cạn nên ông phải ngừng chạy trước khi nghỉ vì dịch nửa tháng vì không có tiền đổ dầu. "Vợ chồng tôi cũng thất nghiệp gần 1 tháng nay, phải chạy vạy bà con để trang trải cuộc sống" – ông Trung tâm sự.
Những ngày xe buýt nằm bãi, không hoạt động, lãi suất ngân hàng thực sự là nỗi ám ảnh của các chủ xe. Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, cho biết HTX có 111 xe, trung bình mỗi xe đóng lãi ngân hàng 13 triệu đồng/tháng. Rất nhiều xã viên tuyến 56 gặp khó khăn do lượng khách giảm, nhiều tháng qua HTX phải ứng quỹ đóng lãi và gốc cho xã viên. "Tuy nhiên, nguồn quỹ đến nay đã cạn kiệt" – bà Thanh nói.
Để các xã viên xe buýt tồn tại, xe buýt phục hồi tốt sau dịch Covid-19, cần miễn lãi suất, giãn nợ vay mua xe ít nhất 6 tháng cho họ. Ảnh: Tấn Thạnh
Kiến nghị miễn lãi suất, giãn nợ ít nhất 6 tháng
Theo tìm hiểu, đến nay TP HCM chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ lãi vay đối với các phương tiện đầu tư thay thế mới. Do đó, để chủ động "cứu mình", các HTX và doanh nghiệp (DN) vận tải kinh doanh xe buýt đã gửi văn bản thương thảo với các ngân hàng mà xã viên vay vốn. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng hỗ trợ mỗi kiểu mà theo đánh giá của các HTX thì chưa "thấm vào đâu".
Tại HTX Quyết Thắng, bà Thanh cho hay trước khi TP yêu cầu ngừng hoạt động xe buýt, HTX đã có văn bản kiến nghị ngân hàng giãn nợ trong 3 tháng và ngân hàng đồng ý không thu tiền nợ gốc trong các tháng 4, 5 và 6, riêng tiền lãi vẫn thu đủ. "Xe không hoạt động, không có tiền, chưa kể sau dịch phải mất thêm vài tháng để phục hồi. Do đó, chúng tôi rất mong TP xem xét, đề xuất các ngân hàng thống nhất thời gian giãn nợ (cả vốn lẫn lãi) ít nhất trong 6 tháng để các HTX, DN có thời gian phục hồi" – Phó Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng kiến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX 19-5, thông tin mỗi tháng, phải đóng nhiều tỉ đồng tiền lãi ngân hàng cho hơn 400 xe buýt của HTX, trong khi tháng 4 này, khả năng xe buýt không chạy được ngày nào thì lấy đâu ra 2 tỉ đồng để xã viên đóng.
Nhận thấy khó khăn này, ông Triệu đã thương thảo với 2 ngân hàng mà đơn vị này vay, ngân hàng đồng ý cho xã viên đóng lãi vay 3 tháng/lần, riêng nợ gốc sẽ giãn đến tháng 6. Ngoài ra, ngân hàng cũng hứa xem xét giảm 0,5% lãi suất so với mức hiện tại. "Hầu hết các phương tiện của HTX đều là xe thuộc dự án 1.680 nên kiến nghị UBND TP quan tâm, dù các ngân hàng có thiện chí nhưng thực tế mức giảm lãi suất quá ít cũng không chia sẻ được khó khăn với xã viên" – ông Triệu phân tích.
Đồng quan điểm với bà Thanh và ông Triệu, ông Nguyễn Văn Lèo – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP HCM (Citranco) – kiến nghị thêm các ngân hàng cần giãn nợ gốc đến tháng 1-2021. Ngoài ra, kiến nghị TP thống nhất miễn lãi suất trong thời gian xe buýt ngừng hoạt động và giảm lãi suất khi hoạt động nhưng khách giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. "Thực tế 2 tháng nay, chúng tôi phải vay hơn 2 tỉ đồng/tháng để trả lương cho hơn 300 tài xế, tiếp viên, nhân viên văn phòng… Nếu được giảm lãi suất, các DN xe buýt được chia sẻ khó khăn thực sự thì việc phục hồi sau dịch bệnh mới khả quan" – ông Nguyễn Văn Lèo nhấn mạnh.
Đã đề xuất UBND TP HCM Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết các chính sách hỗ trợ người lao động, lãi vay đối với các phương tiện thay thế mới đã được sở này đề xuất UBND TP, tuy nhiên cụ thể thế nào phải chờ quyết định của TP. Theo Sở GTVT, để hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị trong thời gian phải tạm ngưng hoạt động tuyến, giảm số chuyến và giảm lượng khách, sở này đã làm việc với các đơn vị vận tải tham mưu UBND TP có chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho hơn 5.000 người lao động (lái xe và nhân viên phục vụ). Ðồng thời, xem xét hỗ trợ lãi vay đối với các phương tiện đầu tư thay thế xe mới đang trong thời gian trả lãi vay ngân hàng để bảo đảm cho các đơn vị tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động sau thời gian dịch bệnh. |
Theo Thu Hồng/NLĐO
Bình luận (0)