Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần hiểu đúng chủ trương: cấm đọc – chép

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ trương chấm dứt kiểu dạy học chủ yếu qua đọc – chép mà Bộ GD-ĐT đề ra và thực hiện từ năm học 2009-2010 (nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành) là một chủ trương thực tế, rất phù hợp với quan điểm dạy học theo xu thế hiện nay. Song chúng ta cần phải hiểu cho đúng bản chất của chủ trương này.

Theo nhiều giáo viên, ngành giáo dục không nên cấm đọc chép trong quá trình dạy học, mà chỉ nên yêu cầu là cần đọc chép khi nào (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: H.Triều

Mục đích của chủ trương cấm đọc – chép là trong quá trình dạy không nên dành hết thời gian cho việc đọc chép, không lấy việc đọc chép làm cứu cánh cho quá trình dạy của người thầy, chứ không phải phủ nhận hoàn toàn việc người thầy đọc cho học sinh chép trong quá trình dạy học. Người thầy trong quá trình dạy học ngoài việc nói, giảng thì phải đọc. Khi người thầy đọc đúng, đọc chuẩn thì học sinh mới đọc đúng và chuẩn được. Học sinh hình thành thói quen nghe thầy đọc tốt thì sẽ hình thành kỹ năng nghe tốt trong cuộc sống.

Kiến thức sách giáo khoa, dẫu biết rằng đã chuẩn song lại mang tính đại trà, nên khi học, để học sinh hiểu bài, nắm bài tốt và kỹ thì người thầy cần khắc họa, nhấn mạnh, cô đọng lại kiến thức hợp với trình độ, khả năng, sự hiểu biết của học sinh. Vì vậy người thầy cần phải đọc cho các em chép những kiến thức “không thể nào quên” trong hàng loạt kiến thức nền ở sách giáo khoa trong mỗi bài học. Mặt khác, trong quá trình dạy thì người thầy thấy cần minh họa, mở rộng, phát triển nội dung bài học để nhấn mạnh, nâng cao sự hiểu biết, tạo điều kiện cho việc tích cực học tập, phát huy tính sáng tạo ở học sinh, nên ngoài phần giảng thì đòi hỏi họ phải đọc để các em ghi lại nhằm khỏi quên, có điều kiện về nhà xem lại để hiểu và vận dụng.

Trong quá trình ghi chép ở học đường thì chép từ việc đọc của người thầy là khoa học và mau hiểu bài hơn. Vì khi thầy đọc chép thì kiến thức đã “gạo nấu thành cơm”, đã thành hệ thống, lớp lang rành mạch rồi. Để đọc cho học sinh chép thì người thầy phải đọc chuẩn, trong cách đọc đó ít nhiều cũng làm cho kiến thức dễ hiểu hơn sách giáo khoa. Và nếu không chép, nghĩa là không có kiến thức trong vở, không có ngữ liệu… thì làm gì các em có cơ sở để hiểu, vận dụng mà sáng tạo, nên việc đọc – chép là không thể thiếu ở học đường. Cần nói trắng ra rằng nếu ở bậc tiểu học, THCS và cả bậc THPT, học mà không chép bài thì làm gì các em rèn luyện được nét chữ, mà nét chữ chính là nét người như ông cha ta từng dạy, nên nếu không có “nét chữ” thì làm gì có “nét người”.

Trong khi cả nước đang phát động phong trào người Việt yêu tiếng Việt và dùng tiếng Việt thì đọc chép nói cho cùng là cách thể hiện tình yêu tiếng Việt một cách cụ thể, thiết thực của học sinh. Cho nên, vấn đề còn lại là không nên cấm đọc chép trong quá trình dạy học mà chỉ nêu yêu cầu là cần đọc chép khi nào. Giờ học mà giáo viên chỉ biết đọc để học sinh chỉ biết chép thì nên cấm lắm. Những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa thì không nên cho đọc để chép, chỉ đọc chép khi cần khắc sâu kiến thức cho học sinh như các kiến thức được giáo viên mở rộng, bổ sung thêm.

Theo tôi, ở bậc tiểu học và THCS chưa có nguồn kiến thức vững vàng, nhất là việc dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, trình bày bố cục, cả việc trình bày văn bản chưa được thì không nên hạn chế việc đọc chép.

Nguyễn Văn Tú

Bình luận (0)