Báo Giáo Dục TP.HCM số 921, ra ngày 29-12-2010 có đăng bài: “Nguyễn Du hé mở lai lịch Mã giám sinh” ở mục Cảo thơm lần giở. Theo tác giả, trong cách giới thiệu: “Hỏi tên rằng Mã giám sinh/ Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần” đã có sự coi thường tên họ Mã (Lâm Thanh chứ không phải Lam Thanh như tác giả Lê Xuân Lít đã trích). Tuy nhiên khi phân tích đến hai câu thơ này chúng ta cần chú ý đến chữ “rằng”. Thứ nhất, mới đọc lên có vẻ ở đây như thừa từ “rằng” (điều ít gặp trong Truyện Kiều), thứ hai thừa tới 2 lần (lại càng ít thấy trong kiệt tác này). Rõ ràng ở đây có dụng ý của tác giả. Vậy dụng ý đó là gì? Theo tôi, cách giới thiệu nhân vật này của cụ Nguyễn rất khác lạ. Nguyễn Du muốn giới thiệu một con người “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ăn nói cộc lốc không thưa gửi không “có đầu có đuôi”, thiếu lịch sự và văn hóa. Lê Xuân Lít cũng đã phát hiện được từ “gã” và “đứa” đi liền nhau trong hai câu thơ đứng liền nhau để khinh miệt nhân cách, lối sống của Mã. Ở đây nên khai thác thêm vị trí trước sau của hai từ này. Đó là nếu lúc đầu tác giả còn chút tôn trọng gọi bằng “gã” thì ở câu 8 nhà thơ đã hạ bệ và coi khinh Mã giám sinh hơn qua từ “đứa”. Rõ ràng một lần nữa chúng ta thấy Nguyễn Du không hề thờ ơ với những câu chữ tưởng như vô hồn mà ông luôn có ý thức trong cách sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt nội dung và đặc biệt tỏ rõ thái độ của tác giả với nhân vật của mình.
Phần sau đó, tác giả đã biết bám sát từ “ăn” (kiếm ăn, ăn gì), từ “bảo” (bảo mẫu) để đề cao sự đắt giá của nó. Tuy nhiên ở đây người viết chỉ mới dừng lại ở dụng ý của nhà thơ muốn chỉ những con người chẳng khác chi… con vật. Theo tôi, từ “ăn” ở đây theo nghề nghiệp của tên Mã và Tú bà còn có nghĩa là “ăn thịt người” không hơn không kém. Có hiểu như vậy thì giá trị tố cáo mới sâu sắc hơn về một “phường giá áo túi cơm ăn thịt người ngọt xớt như đường” trong xã hội Truyện Kiều. Còn ở cuối bài khi giải thích câu: “Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”, tác giả đã rõ ngọn nguồn điển cố như vậy là đúng – nhưng theo tôi – chưa đủ. Theo điển tích, có người đem cám (thật sự là mạt cưa) đổi lấy dưa chuột nhưng lại bị lừa mướp đắng, còn người đem mướp đắng giả làm dưa chuột để đổi lấy cám thì bị gạt bằng mạt cưa. Hiểu tận gốc như vậy mới đánh giá được bọn chúng là một phường đểu giả như nhau, chẳng tên nào tốt cả dù “bên ngoài thơn thớt nói cười”.
Thái Thương
Bình luận (0)