Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Cần hiểu tính chất từng dạng học bổng

Tạp Chí Giáo Dục

Lên kế hoạch đi du học chưa bao giờ là một việc dễ dàng, nhất là với những ai muốn đi bằng con đường học bổng. Giữa “ma trận” các dạng học bổng, nhiều bạn trẻ cảm thấy lúng túng và không biết phải bắt đầu từ đâu.

Chị Đặng Hoàng Thu Ngân, từng du học thạc sĩ tại Amsterdam (Hà Lan) và Copenhagen (Đan Mạch) bằng học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu – hiện đang làm chuyên viên y tế cộng đồng tại Amsterdam, cho biết trước khi nộp hồ sơ xin học bổng, các bạn trẻ cần phải biết các dạng học bổng để nộp những nơi phù hợp. Theo đó, học bổng thường có những dạng sau:

Phân theo cách cho vay tiền

Nếu học bổng phân theo cách này thì có ba dạng: Thứ nhất là viện trợ không hoàn lại và không điều kiện. Đây là dạng học bổng được nhiều người mơ ước nhất. Bạn sẽ được nhận tiền, tự do tiêu tiền mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào, không có ràng buộc phải quay về nước làm việc hoặc phải đi làm để trả nợ cho tổ chức đã viện trợ học bổng. Học bổng nổi tiếng nhất dạng này là Erasmus Mundus, Endeavour và học bổng của các trường. Thứ hai là học bổng viện trợ không hoàn lại nhưng có điều kiện ràng buộc. Cũng tương tự như dạng trên, bạn vẫn sẽ được nhận tiền và chi trả cho việc du học nhưng sẽ bị ràng buộc bởi một số điều kiện như phải quay trở về nước và làm việc trong 2 năm hoặc phải làm việc cho công ty/tổ chức đã viện trợ học bổng trong một thời gian nhất định (thường là từ 2-3 năm). Học bổng dạng này thường là của Chính phủ theo diện ngoại giao như Fulbright, VEF (Mỹ), AAS (hay ADS cũ – Úc), NFP (Hà Lan)… Thứ ba là học bổng vay phải trả. Có thể hiểu nôm na rằng bạn sẽ được nhận học bổng du học của một số nước rồi sau đó phải trả lại một phần hoặc toàn phần giá trị học bổng bằng các hình thức như: Làm việc tại đất nước đã tài trợ học bổng hoặc trả góp bằng tiền. Dạng học bổng này có rất nhiều ở Mỹ và Singapore.

Học sinh phổ thông tìm hiểu thông tin học bổng tại một ngày hội du học ở TP.HCM. Ảnh: N.Anh

Phân theo mức cho vay

Nếu phân loại theo hình thức này thì học bổng sẽ có những dạng sau: Thứ nhất là học bổng toàn phần. Học bổng này không chỉ bao gồm 100% học phí mà còn được cung cấp một khoản tiền sinh hoạt phí để chi trả tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm và thậm chí là được chu cấp tiền vé máy bay cho lượt đi và về sau khi học xong. Học bổng này sẽ có nhiều ở các nước châu Âu với mức sinh hoạt phí được chi trả từ 800-1.200 euro/tháng. Thứ hai là học bổng một phần. Đây là dạng học bổng bạn sẽ được tài trợ một phần học phí với các mức 25%, 50%, 75% (nghĩa là bạn vẫn phải đóng số % học phí còn lại) và 100% (không phải đóng học phí), còn mọi khoản sinh hoạt phí bạn phải tự lo. Ở một số quốc gia có mức sinh hoạt khá rẻ như Đông Âu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoặc một số quốc gia có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên như Pháp, Đức…, dạng học bổng này cũng nên được cân nhắc. Ngoài ra, với một số nước được miễn học phí như Na Uy, Phần Lan hay một số bang của Đức thì du học sinh sẽ được tài trợ khoản sinh hoạt phí tương đương với sinh hoạt phí của học bổng toàn phần.

Phân loại theo mục đích

Học bổng này sẽ có hai dạng: Thứ nhất là học bổng tài năng (merit-based). Dạng học bổng này hầu như trường ĐH nào cũng có. Theo đó, trong hồ sơ được gửi đi xin học bổng bạn phải nói rõ mình có tài năng thuộc ngành nào, trường sẽ căn cứ theo số lượng hồ sơ xin học bổng để xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng. Học bổng này thường không phân biệt quốc gia, vị trí làm việc và thường không bị ràng buộc sau khi tốt nghiệp (giống như viện trợ không hoàn lại và không điều kiện). Những nguồn bạn có thể tìm học bổng dạng này như Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu, Endeavour của Chính phủ Úc, học bổng Clarendon của Oxford, IPRS (International Postgraduate Research Scholarships) của Úc, OFID scholarship (học bổng từ Tổ chức OFID hay OPEC Fund for International Development), Leiden University Excellence Scholarship programme (học bổng của Trường Leiden ở Hà Lan… Thứ hai là học bổng ngoại giao (còn gọi là học bổng trợ giúp phát triển, đào tạo/nâng cao năng lực cán bộ). Nguồn học bổng này đa phần từ Chính phủ các nước hoặc từ các tổ chức hoạt động trong nhóm vì sự phát triển cộng đồng như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và thường chỉ tài trợ để học thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ. Đối với học bổng này, bạn phải đáp ứng một số điều kiện như phải là công dân của quốc gia mà đơn vị cấp học bổng yêu cầu, phải làm trong khối nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO), làm việc trong một số ngành đang cần đào tạo thêm cán bộ. Các học bổng thường sẽ có trong dạng này là VEF của Mỹ (cho công dân Việt Nam làm trong các ngành khoa học cơ bản toán, lý, hóa, tin học và y công cộng), SI của Thụy Điển, NFP (Netherlands Fellowship Program) của Hà Lan (cho khối ngành lâm/nông nghiệp, nước/thủy lợi, food security), học bổng song phương Việt – Bỉ, học bổng AAS (tên cũ là ADS) của Úc…

Linh Vy (ghi)

Bình luận (0)