Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần hình thành một đường dây nóng về bạo lực gia đình, bình đẳng giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đây là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới chiều 26/2.

Hội nghị cũng đã phối hợp sơ kết 4 năm thực hiện đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Theo báo cáo tóm tắt quá trình 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020 và 04 năm thực hiện Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn TPHCM, có nhiều kết quả rất khả quan.

Cụ thể, ở việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp vượt so với yêu cầu về “Tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban thường vụ” tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị; đối với chỉ tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 đều đạt và vượt so với 2 nhiệm kỳ trước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM -Trưởng Ban Vì sự tiến Bộ Phụ nữ TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị.
Phó chủ tịch UBND TPHCM – Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị
Hội nghị đã lắng nghe 4 tham luận và các ý kiến đóng góp về triển khai chiến lược, chương trình Bình đẳng giới

Bà Lê Thị Thanh Nhã – nguyên Phó Phòng Gia đình Sở Văn hóa – Thể thao và Gia đình cho rằng công tác Bình đẳng giới cần phải đi sâu vào thực chất hơn với nhiều giải pháp đồng bộ hơn

Bà Đoàn Thị Tú Linh- Phó trưởng Phòng LĐTB &XH TP Thủ Đức cho rằng cần có sự chia lửa

Bà Đoàn Thị Tú Linh – Phó trưởng Phòng LĐTB &XH TP. Thủ Đức cho rằng cần có sự "chia lửa" từ nam giới trong thực thi bình đẳng giới

Sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ từng bước được nâng cao. Các chính sách về giáo dục cơ bản thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu giới và tập trung vào việc hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo, dân tộc thiểu số, nông thôn, vùng khó khăn, nhập cư… được tiếp cận giáo dục tối thiểu; trong các chính sách này có quan tâm đến nhu cầu và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các nguồn quỹ tín dụng đạt 100%. 47,74% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn, kỹ thuật…

Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú đa dạng, các mô hình truyền thông thông qua tổ chức các gala, diễn đàn, sự kiện “Thắp sáng màu cam tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố”; Bữa sáng Ruy băng trắng với nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”; “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”; “Công tác xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân bạo lực trên cơ sở giới tại cơ sở y tế – Góc nhìn của người trong cuộc”; “Hành trình xe buýt với Thanh niên nói không với bạo lực trên cơ sở giới”…

Sự lan tỏa chuyên môn từ các chương trình gala, diễn đàn, sự kiện nêu trên đã được nhân rộng thành Chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn địa bàn thành phố. Đồng thời, được UN Women quốc tế ghi nhận TPHCM (của Việt Nam) là 27 trong 30 quốc gia tham gia “Sáng kiến Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn với phụ nữ và trẻ em toàn cầu” và là Thành phố thứ 106 thắp đèn cam tòa nhà UBND thành phố (biểu thị cho việc kiên quyết bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước vấn nạn bạo lực, xâm hại).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức. Như việc lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động còn nhiều bất cập, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ các bộ, ngành Trung ương, vì vậy quá trình triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động còn manh mún, thông tin dữ liệu tách biệt về giới tính chưa được thống kê một cách đầy đủ; điển hình, dữ liệu cấp phép cho doanh nghiệp không yêu cầu thống kê về giới dẫn đến không thống kê, đánh giá được.

Hệ thống dữ liệu của bảo hiểm xã hội thành phố và quận – huyện không báo cáo được thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính, nên không phản ánh được tình hình tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của lao động nam nữ trong các ngành, lĩnh vực; trong trường hợp, tỷ lệ lao động nữ ít được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc xây dựng Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em, Trung ương chưa hướng dẫn cụ thể tiêu chí đánh giá, đo lường nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện…

Tương tự đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TPHCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đa số người dân chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như: Văn phòng tư vấn về pháp luật và tâm lý, Công tác xã hội… Hầu hết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn hoặc xảy ra bạo lực gia đình đều do mạng lưới ở cộng đồng ở phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp tiếp cận, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình do vậy khó giải quyết căn cơ, tận gốc vấn đề bạo lực gia đình.

Việc thu thập, xử lý và báo cáo thông tin, dữ liệu và số liệu tách biệt về giới tính trong lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình giữa các ngành: văn hóa và thể thao và số liệu của tòa án, cơ sở y tế, công an, tư pháp… chưa thống nhất về tiêu chí, thời gian thống kê, nhóm độ tuổi… ảnh hưởng đến dự báo tình hình để có giải pháp phù hợp triển khai các hoạt động liên quan đến gia đình.

Hội nghị đã nghe tham luận, trao đổi của diện Sở Nội vụ TP về “Thực trạng nữ quản lý, nữ lãnh đạo và nữ trong diện quy hoạch các cấp – Giải pháp tạo nguồn quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng bổ nhiệm cán bộ nữ”, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP về “Phát huy vai trò của các cấp Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em góp phần thúc đẩy bình đẳng giới” cùng nhiều ý kiến, tham luận khác xoay quanh những tồn tại, thách thức cùng giải pháp khi triển khai, thực thi Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới…

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, vấn đề bình đẳng giới cần có sự quan tâm, chỉ đạo và vận hành đồng bộ của từng ngành, từng lĩnh vực và ngay cả trong các hộ gia đình nhằm phối hợp trong tham mưu, triển khai và giải quyết một cách căn cơ tình trạng bất bình đẳng về giới đảm bảo cuộc sống của mọi thành viên được an toàn, bình đẳng và hạnh phúc.

Phó chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tại hội nghị 4 vấn đề trọng tâm phải làm trong thời gian tới: Một là, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TPHCM, cụ thể là Sở LĐTB&XH có nhiệm vụ chính tiếp tục rà soát kết quả đạt được từ 7 mục tiêu, 26 nhóm chỉ tiêu, chỉ ra cho được hạn chế yếu kém và xây dựng kế hoạch với danh mục, đầu việc rõ ràng từ tuyên truyền, tổ chức, cho tới đề xuất kinh phí, ngân sách… trong 5 năm tới về Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Hai là, phải rà soát và kiện toàn thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố, với cơ cấu hoàn thiện hơn, trong đó chú ý tăng cường cơ cấu nam, không để các chị em làm với nhau vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Ông Võ Văn Hoan trao bằng khen cho Hội LHPN TPHCM vì có thành tích xuất sắc trong  10 năm
Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TPHCM trao bằng khen cho Hội LHPN TPHCM vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện chiến lược, chương trình Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Ba là, ở các cơ quan, đơn vị địa phương phải phát huy hơn nữa vai trò công tác nữ, chăm lo cho phụ nữ, vận động nam giới, hình thành một đội ngũ tình nguyện viên nam giới tiên phong trong việc bảo vệ phụ nữ, thực thi bình đẳng giới. Hình thành và đưa vào vận hành đường dây nóng bảo vệ phụ nữ trẻ em, tiếp nhận thông tin về bất bình đẳng giới. Thống nhất việc nắm bắt, phân tích các số liệu về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới để từ đó định hướng xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, khoa học. 

Cuối cùng, tiếp tục thay đổi định kiến xã hội, tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng ở mỗi người bằng nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM, chúng ta rất cần các giải pháp đồng bộ. Ít nhất cũng cần sự triển khai phương châm hành động chung, thống nhất để mọi cơ quan, tổ chức, mọi người, mọi nhà cùng thực hiện, theo ông, khẩu hiệu hành động chung của thành phố có thể là "Vì sự tiến bộ của phụ nữ – hành động của chúng ta".

Theo Diễm Chi/PNO

Quấy rối tình dục nơi công cộng vẫn đang tồn tại 

Theo “Khảo sát cơ sở dữ liệu đầu vào xây dựng khung giám sát đánh giá phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là quấy rối tình dục/bạo lực tình dục” năm 2017, tại địa bàn 2 quận được lựa chọn thí điểm can thiệp (quận 1 và quận 10) và địa bàn đối chiếu (quận 3) do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UN Women và các đơn vị liên quan thực hiện: Khoảng 40% phụ nữ và nam giới đã chứng kiến các hành vi quấy rối tình dục (QRTD). Có 18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết họ đã bị quấy rối tình dục, thời điểm bị quấy rối là bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là buổi tối (từ 18g đến 22g); 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã có các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Những nơi phụ nữ cảm thấy không an toàn nhất là ngõ/hẻm; nhà hàng/quán bar; công viên; trên xe buýt, nhà chờ, bến đỗ xe buýt; nhà vệ sinh công cộng… Các hành vi QRTD đã ảnh hưởng đến tính mạng, nhân phẩm và việc di chuyển không an toàn của phụ nữ và trẻ em.

Dù mẫu khảo sát với phạm vi hẹp, nhưng đã phác họa một góc sống động bức tranh về môi trường sống chưa thật sự an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em tại TPHCM là có thật.

Mức phạt trung bình 200.000 đồng cho hành vi quấy rối tình dục đã gây ra phản ứng tiêu cực trong xã hội 

Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật quy định chính thức, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục (QRTD) đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các hành vi QRTD xảy ra trong thời gian qua đang được áp dụng theo Nghị định 167/2013 với mức phạt trung bình là 200.000 đồng đã gây những phản ứng tiêu cực trong xã hội vì cho rằng mức phạt quá thấp và không đủ nghiêm khắc để giáo dục đối với người vi phạm. QRTD là một trong các hình thức bạo lực trên cơ sở giới và nhà nước ta cần xây dựng một khung pháp lý đầy đủ và toàn diện theo yêu cầu của Tuyên bố chung về xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ (CEDAW-1993).

TS. Phan Thị Lan Hương (Trường đại học Luật Hà Nội)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)