Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Căn hộ… dội chợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lượng căn hộ đang được tung ra thị trường bất động sản có chiều hướng cung vượt cầu sẽ tạo cơ hội cho người mua.

Thời gian gần đây, trên thị trường bất động sản, số lượng căn hộ rao bán tăng vọt. Nhiều chủ đầu tư và giới kinh doanh địa ốc đã tìm mọi cách để thoát được hàng, chấp nhận lãi ít để có vốn xoay vòng. Theo dự báo mới nhất của Công ty TNHH Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2011, nguồn cung căn hộ còn tiếp tục tăng mạnh, giá cả sẽ rất cạnh tranh.
Đầy ắp căn hộ chung cư
Dạo qua một số sàn giao dịch bất động sản, một số trang web chuyên về mua bán, rao vặt bất động sản gần đây cho thấy lượng căn hộ chung cư được tung ra chào mời khá hấp dẫn. Trong tuần vừa qua, dự án Hoàng Anh Gia Lai 3 (Nhà Bè – TPHCM) đã giao căn hộ cho khách hàng nên lượng căn hộ rao bán ở đây cũng tăng mạnh.

Dự án căn hộ Carina quận 6-TPHCM chuẩn bị giao nhà, hiện đang được rao bán lại với giá từ 14 – 17 triệu đồng/m2, tùy vị trí căn hộ. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Dự án Carina Plaza nằm trên trục đại lộ Đông Tây của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị giao 736 căn hộ. Cận kề với dự án này, Công ty Năm Bảy Bảy cũng đang tiến hành xây dựng City Gate Tower với 864 căn hộ. Bên cạnh đó, hàng chục dự án quanh trục đại lộ Đông Tây và một số dự án thuộc quận 7, quận 2… cũng đang trong quá trình thi công, hoàn thiện để tung ra thị trường trong năm nay.
Theo số liệu của Công ty TNHH Savills Việt Nam, trong quý I/2011, thị trường bất động sản TPHCM đã có thêm 14 dự án mới với 5.000 căn hộ và trong vòng 6 tháng nữa sẽ có thêm khoảng 14.500 căn hộ được chào bán. Dự báo của Savills đến năm 2012-2014, nguồn cung căn hộ tại TPHCM sẽ có thêm khoảng 42 dự án mới với tổng số 24.000 căn hộ hoàn thành. Như vậy, cùng với 15.000 căn hộ từ các dự án hiện tại thì nguồn cung căn hộ tăng cao…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết năm 2011, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn những năm trước, do tình hình thắt chặt tín dụng. Vì vậy, khâu bán hàng đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều đơn vị phải chấp nhận giảm giá, áp dụng các phương thức như hỗ trợ về lãi suất, quà tặng, bao trọn tiền lãi vay ngân hàng… để thu hút khách hàng.
Lúng túng trong giảm giá, kích cầu
Chị Hà, người đang rao bán căn hộ 100 m2 với giá 1,9 tỉ đồng tại dự án Hoàng Anh Gia Lai 3, cho biết giá rao bán chỉ cao hơn giá gốc 2 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có khách hỏi mua. Với giá này tính theo lãi suất ngân hàng chị đã bị lỗ vì thời gian góp vốn kéo dài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã chấp nhận hạ giá bán từ 10%-15% để “thoát hàng”. Chẳng hạn, tại dự án chung cư Lê Thành – Bình Tân, cách đây hơn 6 tháng, giá rao bán căn hộ khoảng hơn 14 triệu đồng/m2 nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 12 triệu đồng/m2…
Tại một hội thảo về thị trường nhà đất mới đây ở TPHCM, nhiều nhà đầu tư và giới chuyên môn đã nói nhiều về biện pháp kích cầu cho thị trường căn hộ, trong đó có biện pháp chủ yếu là giảm giá bán, thậm chí giảm mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đỉnh Cao, cho rằng với bức tranh không mấy sáng sủa của thị trường bất động sản năm 2011, các chủ đầu tư nên chấp nhận giảm lãi, hòa vốn. “Nếu chủ đầu tư các dự án giảm 30% giá bán căn hộ, tôi tin rằng sẽ kích thích nhu cầu mua vào của khách hàng, nguồn cầu sẽ tăng lên” – ông Phước đề xuất.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư còn băn khoăn nếu giảm giá mạnh, ngoài thiệt hại về kinh tế, có thể còn ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và niềm tin của nhà đầu tư. Tổng giám đốc một công ty bất động sản tiết lộ thông thường đi theo chủ đầu tư là một loạt nhà đầu tư thứ cấp thường tiêu thụ số lượng lớn căn hộ của dự án.
Nay nếu chủ đầu tư giảm giá ở đợt bán sau chắc chắn sẽ gây khó khăn cho loại khách hàng dạng đối tác này bởi về lâu dài, họ sẽ từ bỏ chủ đầu tư.
 

Ngân hàng “siết” tín dụng bất động sản

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết khoảng giữa tháng 3, dư nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất của OCB đã chiếm khoảng 30% trên tổng dư nợ.
Vì vậy, OCB đã quyết định dừng hẳn việc cho vay ở các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và hạn chế phần lớn tỉ lệ cho vay tiêu dùng để bảo đảm tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới ngưỡng 20% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Còn phó giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại cho biết ngay khi có chủ trương thu hẹp tăng trưởng tín dụng 20%, lãnh đạo ngân hàng này đã thống nhất kiểm soát và hạn chế cho vay ở một số lĩnh vực từ chứng khoán, bất động sản và cả tiêu dùng. Theo đó, tỉ lệ nhận và duyệt hồ sơ cho vay phi sản xuất đã giảm hơn một nửa so với trước.
Sơn Nhung – Thái Phương / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)