Lâu ngày gặp lại các đồng nghiệp dạy văn, có người ngày xưa là học sinh giỏi do tôi phụ trách – khi được hỏi dạo này có đọc những cuốn sách mới không thì được mọi người trả lời là không có thời gian để đọc!
Các bộ môn nói chung, môn văn nói riêng, việc đọc sách có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, chất lượng bài dạy… Nhiều tư liệu, nhiều kiến thức tưởng bản thân mình đã hiểu rồi, đã “mặc định” rồi nên cứ thế mà dạy, mà truyền thụ mà không biết kiến thức đó đã lỗi thời, đã được hiểu cách mới!
Kiến thức sách vở thì mênh mông, vấn đề đặt ra là tìm những loại sách để đọc, để tìm hiểu. Dạy văn, học văn không thể giảng bài tách khỏi bối cảnh văn hóa, xã hội; hoàn cảnh lịch sử ra đời.
Nếu dạy về văn học Nam bộ mà không đọc sách của Sơn Nam, không đọc “Hương rừng Cà Mau”… thì bài giảng làm sao có chiều sâu được! Trước khi dạy bài “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân) mà không đọc “Vang bóng một thời” của tác giả thì khó lòng hình dung được phẩm cách, cốt cách của nhà văn này! Không đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “O chuột” hoặc “Miền thơ ấu” (Vũ Thư Hiên) thì khó mà giảng hay, hấp dẫn được những trích đoạn của một số tác phẩm viết về thiếu nhi… Tương tự như vậy, nếu không đọc ba tập “Những người khốn khổ” (V. Hugô) thì khó giảng tốt được đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”…
Lý do không có thời gian rảnh chỉ là lý do mà các bạn đồng nghiệp… tự bào chữa mà thôi! Nguyên nhân khách quan, chủ quan đều có. Thời lượng một tiết học 45 phút không cho phép nói dài, tản mạn mà phải “khắc sâu” kiến thức… đã có sẵn trong sách giáo khoa. Học sinh muốn biết rộng thêm, sâu thêm thì về nhà tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. Có những bài dài, giáo viên (GV) vừa giảng vừa “chạy” theo thời gian muốn đứt hơi; còn đâu chút thời gian ít ỏi để liên hệ, so sánh, đối chiếu!
Nhưng một khi mình ham mê đọc sách thì tất cả mọi công việc đều có sắp xếp khoa học để có thời gian đọc sách. Sao nhiều GV ngồi hàng giờ bấm, lướt “phây” mà không có nửa giờ đọc sách, tài liệu ? Hay đọc sách không hấp dẫn, không “sinh động” bằng những hình ảnh trên “điện thoại thông minh”?
Có những cuốn sách tôi đọc mấy lần, mỗi lần đọc xong thấy ra nhiều cái hay, cái sâu sắc… Tiếc quá, nhiều GV dạy sử cứ theo sách mà dạy nên bài giảng rất khô khan! Phải như họ đọc “Nam Hải dị nhân liệt truyện” hoặc “Tang thương ngẫu lục”, “Vũ trung tùy bút”… thì đảm bảo học sinh khi hết giờ không muốn ra lớp mà chỉ muốn ngồi nghe thêm vì nhiều câu chuyện ly kỳ quá, hấp dẫn quá!
Các thầy cô, nhất là dạy môn văn hay các môn xã hội nên sắp xếp thời gian hợp lý dành cho việc đọc sách; một công việc vừa có ích lợi nhiều mặt vừa tự mình vun bồi kiến thức cho bản thân.
Đọc sách cũng như tập thể dục cho bộ não, khiến nó thường xuyên vận động, luôn luôn tràn đầy sức sống. Hãy có niềm đam mê đọc sách vì trong đó có nhiều kiến thức rất bổ ích, rất cần thiết cho việc tự rèn luyện; cho công việc giảng dạy cũng như trong giao tiếp hàng ngày của chúng ta.
Lam Hồng
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)