Tòa soạnThư đi – tin lại

“Cạn khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi ra trường vào tháng 9-1981 và đã đi dạy từ đó đến nay. Đồng lương nhà giáo “ba cọc ba đồng” khó lòng xoay xở trong cuộc sống hiện tại khi giá cả mỗi ngày một lên. Thật tình là chúng tôi rất vất vả bởi công việc dạy học luôn đầy áp lực từ nhiều phía (nhà trường, xã hội, phụ huynh, học trò, thi đua…).

Vì vậy, một số tìm mọi cách làm thêm nhiều công việc “ngoài luồng”; không còn đâu thời giờ, tâm trí để tự học, nâng cao kiến thức, làm mới mình như theo quy định. Một số khác với “thế mạnh” của bộ môn (toán, lý, hóa, sinh, Anh văn…) thì mở các lớp dạy thêm để tăng thu nhập ngoài đồng lương.

Nhớ năm nào ở cấp trên tuyên bố đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương thì chúng tôi mừng khôn xiết! Như thế, nghề dạy học mới xứng đáng là “nghề cao quý nhất trong  những nghề cao quý”. Khắp nơi rộn ràng trong tâm thế vừa chờ vừa đợi; ai ai cũng phấn khởi, hạnh phúc vì sắp tới sẽ toàn tâm toàn ý cho học sinh thân yêu; cho mỗi bài giảng đầy ngọn lửa nhiệt tình…

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang” khi lần lượt đến năm 2010… và bây giờ sắp kết thúc năm 2015 – nghĩa là hơn 5 năm trôi qua mà chẳng thấy “động tĩnh” nào đáng kể! Chỉ có tính thâm niên cho thầy cô đứng lớp thì cũng an ủi phần nào. Riêng tôi, bị trừ 12 năm thâm niên vì làm việc tại Sở GD-ĐT (vì quy định không tính cho thời gian không trực tiếp đứng lớp). Thế là mất đi mỗi tháng khoảng 1,2 triệu đồng!

Nhưng chúng tôi vẫn chờ; dù biết rằng chờ trong mòn mỏi, chờ trong giấc chiêm bao “cạn khô dòng lệ chờ mong tháng ngày” như Tản Đà ngày xưa đã viết!

Bao giờ giấc mơ sống bằng đồng lương, sống được bằng lương của nghề giáo thành hiện thực? Chính khúc mắc này đã dẫn tới nhiều việc làm tiêu cực trong môi trường sư phạm như ép học sinh đi học thêm từ mẫu giáo cho đến cấp trung học. Hoặc trù dập, đối xử không công bằng với những học sinh không học thêm với mình… 

Thật buồn khi người ta khắp nơi đua nhau xây trụ sở này, trụ sở nọ đến hàng ngàn tỷ mà không nhìn thấy những bất cập trong đồng lương giáo viên để có sự cảm thông, chia sẻ và hành xử nhân văn hơn với những người đang góp sức mình đào tạo con người cho xã hội…

Nhà giáo LÊ LAM HỒNG (Sóc Trăng)

Bình luận (0)