Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần khung pháp lý để phát triển công nghiệp văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 22-12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.


Theo Chủ tịch UBND TP.HCM thì cần có khung pháp lý, thể chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa

Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự và phát biểu. Ông cho biết TP.HCM hướng đến là trung tâm kinh tế văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Do vậy, ngày 25-10-2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4853 về phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển, đưa TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.

“TP.HCM xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, có tiềm năng, có đóng góp vào tỷ trọng rất lớn trong kinh tế xã hội của TP. TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu cho 2025 – 2030 là theo mục tiêu chiến lược văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, năm 2022, đóng góp của công nghiệp văn hóa trog GRDP đạt 6.2%. TP sẽ điều chỉnh đến 2025 là 7-8%, 2030 là trên 10%”, ông Mãi cho hay.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để triển khai phát triển công nghiệp văn hóa, TP xác định là đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá hợp tác quốc tế và các trọng tâm.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng có những định hướng; trong các ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa, các địa bàn trọng điểm nên có trọng tâm, có sự phân công, phối hợp và đầu tư. Bên cạnh đó, cần có những quy định của pháp luật, những quy chuẩn, tiêu chuẩn và cần sớm thể chế hóa…

Đề cập vấn đề đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh đây là điều quan trọng. Chúng ta khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh các chính sách tiếp cận đất đai, về tín dụng, thuế thì nên chú ý hơn các chính sách vượt trội, đột phá. Tiếp cận như ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như ngành công nghiệp truyền thống.


Quang cảnh hội nghị (Ảnh: VGP)

Nên có nghị quyết của Chính phủ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, làm sao dành nguồn lực ngân sách để đầu tư dẫn dắt. Đồng thời, kiến tạo môi trường, các cơ chế chính sách, những động lực cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Với TP.HCM, sẽ triển khai hội nghị lấy ý kiến góp ý từ các bộ ngành, từ doanh nghiệp, những người trực tiếp tham gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn TP để đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của TP vào khoảng 148.000 tỷ đồng.

Để đạt các mục tiêu và khai thác có hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố có sự đầu tư từ nguồn ngân sách tạo nền tảng, hỗ trợ, tạo động lực, khuyến khích, định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời vận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 huy động các nguồn vốn xã hội hóa.

Các nguồn lực đầu tư nhằm thực hiện 4 nhóm nội dung như đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đầu tư xây dụng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác về công nghiệp văn hóa và phục vụ công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa.

N.Trinh

Bình luận (0)