Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần lắm bản sắc GD-ĐT và bản lĩnh báo chí

Tạp Chí Giáo Dục

Kính gửi: Tòa soạn, Ban Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM. Tôi là Đào Ngọc Đệ, Giảng viên chính – Đại học Hải Phòng. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11-2018, tôi kính chúc các quý vị trong Tòa soạn, Ban Biên tập, cùng toàn thể cán bộ, PV, BTV, quý báo: An khang, Hạnh phúc, Thịnh vượng và Thành công to lớn hơn. 

Qua các ấn phẩm của Báo Giáo dục TP.HCM (báo in giấy, báo điện tử), Báo Giáo dục TP.HCM thực sự là cơ quan báo chí có uy tín lớn, có chất lượng cao, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam – theo đúng nghĩa của khái niệm này – có uy tín, thiết thực, bổ ích và có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà giáo không chỉ ở TP.HCM, ở toàn miền Nam, mà còn đối với các nhà giáo Việt Nam nói chung và bạn đọc cả nước.

Báo Giáo dục TP.HCM có nhiều chuyên mục đa dạng, nhiều tin, bài phong phú, sinh động, có chất lượng tốt. Bản sắc giáo dục và đào tạo, cũng như bản lĩnh báo chí rất cao. Báo Giáo dục TP.HCM phản ánh đa dạng và đầy tính trung thực, có tính chiến đấu cao về thực trạng GD-ĐT nước nhà, với những thành tựu đã đạt được trong bao nhiêu năm qua, cũng như những hạn chế, yếu kém của ngành GD-ĐT nhiều năm nay. Không né tránh các vấn đề “gai góc”, các “góc khuất” của GD-ĐT, động viên khích lệ cũng như tinh thần bảo vệ các nhà giáo Việt Nam, Báo Giáo dục TP.HCM đã tiến tới 3 điều tốt đẹp nhất của lương tri con người – đó là Chân – Thiện – Mỹ! Điều đó, trong toàn cảnh báo chí Việt Nam hiện nay, theo tôi: Báo Giáo dục TP.HCM là cơ quan báo chí rất đáng khâm phục. 

Cái “to lớn” thậm chí cái “vĩ đại” đâu chỉ ở cái tên phô trương, lòe loẹt, hay những lời tuyên truyền, rao giảng, mà phải ở đúng thực chất của cơ quan, tổ chức ấy – qua lời nói phải sóng đôi với hành động thiết thực và cao đẹp, làm cho mọi người thấy tin, thấy yêu, thấy khâm phục. To mà rỗng, lòe loẹt mà chẳng làm được gì có ích cho mọi người, thì chỉ là những cái danh suông, rồi sẽ bị lãng quên. Đâu phải danh xưng “trung ương” mà đã “to”, và đâu phải “địa phương” chỉ là nhỏ?! To hay nhỏ, tầm cỡ hay không tầm cỡ, đáng phục hay không – cái chính là ở cái Chân – Thiện – Mỹ đích thực của cơ quan, tổ chức ấy!  Trong bối cảnh ấy, Báo Giáo dục TP.HCM đã trung thực phản ánh toàn diện xã hội và con người Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực GD-ĐT, không hề tô hồng, không bôi đen, mà rất Chân – Thiện – Mỹ. Sức hấp dẫn cao và giá trị lớn của Báo Giáo dục TP.HCM chính là ở điều ấy; tôi nhấn mạnh.

Thật vậy. Cụ thể như Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trong khi bao nhiêu các cơ quan thông tin tuyên truyền “ca ngợi” động viên, và… “vỗ về” các nhà giáo; trương lên bao biểu ngữ và danh xưng để “tôn vinh” các nhà giáo Việt Nam (cứ như đích thực các nhà giáo Việt Nam được quan tâm toàn diện lắm lắm) thì Giáo dục TP.HCM có nhiều bài viết thiết thực và trung thực phản ánh nỗi niềm của các nhà giáo nước ta hiện nay. Báo in giấy ra ngày 20-11-2018 có những bài hay, như: “Người thầy giáo cần được quan tâm đúng mực” của tác giả Nguyễn Minh Hải, bài “Trả lại tên cho… nhà giáo” của tác giả Hòa Triều… là những bài tôi rất thấm thía, rất khâm phục tác giả (và tòa soạn) đã phản ánh rất trung thực tâm tư, nỗi buồn tủi, những e sợ (không chỉ là e ngại) của rất đông các nhà giáo Việt Nam hiện nay về thân phận, về vị trí của mình. Đúng như tác giả Hòa Triều đã viết: “Nghề giáo ngày càng bạc. Chuyện chẳng đáng gì, phụ huynh cũng lên trường làm ầm ĩ. HS cũng không còn tôn trọng thầy cô như trước đây nữa” (bài “Trả lại tên cho… nhà giáo”). Những chuyện giáo viên phải quỳ trước những phụ huynh HS vô học, thật đau xót, thật phẫn nộ! Những văn bản nông cạn và kém cỏi như Dự thảo xử phạt hành chính trong GD, thật vừa bi, vừa hài do chính những chuyên viên ở Bộ GD-ĐT thảo ra mà trước khi công bố trên công luận, ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không hề ngó ngàng tới. Đến khi Quốc hội có ý kiến, ông Bộ trưởng lại “đổ lỗi” cho cá nhân chuyên viên soạn thảo là “kém năng lực và tinh thần trách nhiệm”! Thật đáng buồn cười. Ông/bà chuyên viên soạn thảo văn bản về xử phạt  “kém năng lực và tinh thần trách nhiệm” hay chính là ông Bộ trưởng?! 

Tôi đau buồn và xót xa khi xem chương trình “Thay lời tri ân các nhà giáo” trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 18-11-2018. Thật buồn thương cho các cô giáo thầy giáo một trường tiểu học ở Yên Bái vất vả đèo gùi lương thực, thực phẩm cho các em HS trường bán trú. Mưa lũ hoành hành tàn phá, các thầy cô vất vả và đáng khâm phục vô cùng. Một cô giáo bị sẩy thai vì công việc quá sức. Trường học tranh tre nghèo nàn, xác xơ. Rồi một thầy giáo ở vùng cao Quảng Nam (hay Quảng Ngãi) gần đến tuổi nghỉ hưu mà không dám lấy vợ, vì “khó khăn quá” (thầy nói), nhưng luôn bám trường, bám lớp. Tội nghiệp, cái “lều công vụ” của trường thầy bé nhỏ, thầy phải ngủ chung trong lều công vụ ấy với 2 cô giáo, chỉ che cách bằng tấm vải mỏng. Tôi nghiệp quá. Đau xót quá. Còn bao nhiêu nhà giáo, trường học liêu xiêu ở các vùng sâu, vùng xa mà VTV buổi tri ân ấy chưa kịp phản ánh. Ngay giáo viên ở đồng bằng và các tỉnh lỵ, thành phố khác cũng đang sống nghèo bởi đồng lương quá thấp. Việc dạy thêm khốn khổ của nhiều giáo viên bị chính quyền, công an địa phương rình rập, theo dõi như những kẻ tội phạm, sao mà thấy bất công, xót xa lắm vậy, mà các đời Bộ trưởng GD-ĐT không hề bênh vực, bảo vệ! Thế thì tại sao các y, bác sĩ đang tại chức mà vẫn mở bệnh viện tư, phòng khám tại nhà, chữa bệnh tư nhân, kiếm bạc tỷ dễ như trở bàn tay? Giáo viên dạy thêm thì bị  bắt “làm biên bản”, phải xin lỗi và bị kỷ luật, đưa lên báo chí phê phán, miệt thị. Vị thế GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” ở đâu? Nghề thầy giáo “cao quý” ở đâu? Thử hỏi trong bối cảnh trường học tan hoang và nghèo nàn như các phóng sự về ngày tri ân trên VTV, thì cán bộ và chính quyền địa phương ở đâu?…

Trong bối cảnh ấy, càng chứng tỏ những bài viết đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM ra ngày 20-11-2018 là rất trung thực và đầy bản lĩnh.

Cuối cùng, một lần nữa tôi kính chúc các quý vị trong Tòa soạn và Ban Biên tập, các PV, BTV quý báo dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công to lớn hơn.

Người viết: Đào Ngc Đ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)