Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Cần làm gì với học sinh cá biệt?

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ một học sinh (HS) lớp 8 dùng dao chém thầy giáo gây bàng hoàng cho cả xã hội mấy ngày qua. Theo truyền thông, em N.T.M, (HS lớp 8 Trường THCS thị trấn Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã cầm dao xông vào chém thầy N.H.H khi thầy đang ngồi làm việc với phụ huynh của em để bàn việc phối hợp giáo dục. Thầy H. đưa tay ra đỡ lưỡi dao và bị thương ở tay, phải vào bệnh viện cứu chữa. Nhà trường đã gọi công an đến khống chế em M. ngay sau đó.

Theo nhà trường, em M. là một HS cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy. Trước mắt, nhà trường đã đình chỉ học tập một tuần đối với M. để viết kiểm điểm, sau đó mới đưa ra hình thức kỷ luật chính thức.

Gần đây cũng liên tục xuất hiện các vụ bạo lực học đường. Hầu hết những người gây ra các vụ bạo lực ấy là HS cá biệt. Với những HS cá biệt nên đối xử như thế nào? Thăm dò thái độ giáo viên trên một diễn đàn mạng về giáo dục, có nhiều ý kiến nhưng tựu trung chia làm hai thái cực. Một bên đề nghị kỷ luật ở mức cao nhất, đuổi học vì không chấp nhận hành vi càn quấy như vậy. Một bên thì chọn thái độ “mackeno” để tìm sự “an toàn” cho mình. Vậy thì nên chọn phía nào, quả là vấn đề khó. Nhưng điều này cũng có thể lý giải được vì để xử lý sai phạm của một HS chưa bao giờ là việc đơn giản vì sẽ ảnh hưởng đến việc học hành và tương lai của các em. Việc xử lý có liên quan đến số phận con người không thể chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính, mà phải xem xét, phân tích cả một quá trình học tập, rèn luyện của HS để tìm ra đâu là nguyên nhân cốt lõi của sai phạm và từ đó có cách xử lý phù hợp.

Đây là một việc quá khó và cực kỳ hệ trọng, nên trong một số trường hợp nhà trường cần sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý – giáo dục. Vì sao phải như vậy?

Như chúng ta đã biết, hầu hết HS vi phạm kỷ luật đều có đặc điểm chung là thuộc vào lứa tuổi thiếu niên, có nghĩa là các em chưa phải là người trưởng thành. Theo các nhà tâm lý, HS ở lứa tuổi này không còn là trẻ con dễ dàng vâng lời người lớn, nhưng cũng không phải là người lớn để có cách ứng xử đúng đắn. Mà ở lứa tuổi này, chúng có cách ứng xử của riêng chúng, đôi khi chẳng giống ai. Nhưng đây là những dấu hiệu hết sức bình thường trong quá trình phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi học trò. Bởi vậy, trong một số trường hợp người lớn sử dụng các cụm từ như “cứng đầu”, “nổi loạn”, “chưa ngoan”, “cá biệt”… để nhận xét về chúng là chưa hoàn toàn chính xác.    

Mặt khác, quá trình dạy dỗ của cha mẹ ở nhà hay của giáo viên ở trường là một quá trình đưa ra những yêu cầu mới lạ đối với trẻ và bắt buộc chúng phải chấp nhận, tiếp thu. Nhưng, như trên đã nói, ở lứa tuổi các em không phải mọi HS đều vâng lời mà có một số phản ứng lại. Cũng do muốn chứng tỏ mình là người lớn nhưng chưa đủ từng trải nên phản ứng của các em thường dẫn đến cách ứng xử sai lầm. Dưới mắt các nhà tâm lý – giáo dục thì đây là việc bình thường. Và giáo viên nào rơi vào những tình huống như thế, chúng ta cần xem lại phương pháp sư phạm có thật sự phù hợp với nhu cầu lứa tuổi chưa hay chỉ vì chạy theo thành tích thi đua, thi cử mà chúng ta cố nhồi nhét con chữ thật nhiều, nếu trẻ phản ứng thì đe dọa, quát nạt, cho điểm kém… Với những biện pháp ấy, không phải HS nào cũng im lặng phục tùng. Một số sẽ phản ứng theo cách của chúng như không chịu làm bài, cãi lại hay nói xấu thầy cô sau lưng, cúp cua…

Nói tóm lại, trong mắt nhà giáo không có HS nào là hư hỏng đến nỗi bỏ đi cả. Tùy theo mức độ sai phạm, tính nết, hoàn cảnh của HS mà nhà giáo có cách xử lý phù hợp. Cần nhớ, ở lứa tuổi đang tập làm người lớn trẻ rất cần sự quan tâm, chia sẻ của người lớn chúng ta.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)