Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần lắm hành động mang tính sư phạm của người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Hồi ấy, trường tôi vừa nhận những bộ bàn ghế mới. Đây là loại bàn ghế có những bộ phận rời nhau nên bên bàn giao phải dùng đinh vít để ráp lại…

Do yêu cầu công việc nên thợ nghỉ tại trường; ráp bàn ghế ngay tại phòng học, làm cả ngày cả đêm cho kịp bàn giao trước thềm năm học mới. Sau gần hai tuần làm việc cật lực, những bộ bàn ghế mới còn thơm mùi sơn được xếp ngay ngắn, chờ ngày khai giảng…

Sau khai giảng được hơn một tuần, những phiền toái bắt đầu xảy ra! Mọi sự rắc rối bắt nguồn từ những chiếc đinh vít nhỏ. Đó là khi vặn ốc vào cho chặt, mỗi chiếc đinh còn lòi ra ngoài khoảng nửa phân! Phần đuôi của nó khá bén nên thỉnh thoảng, áo dài của học sinh, của cô giáo nếu bị vướng vào sẽ bị kéo rách… Chưa hết, nếu các em vô ý khi đi giữa các dãy bàn, có khi bị cạnh bén nhọn của đinh vít làm xước da, chảy máu…

Trước tình trạng đó, tôi nhờ bác bảo vệ dùng cưa sắt cưa đuôi đinh sát vào, sau đó dùng giũa để giũa cho thật bằng; tránh những sự cố không đáng có vì cái đinh vít nhỏ bé này. Tôi cũng khẩn thiết nhờ quý thầy cô chủ nhiệm, kêu gọi học sinh lớp mình tự giác mang cưa sắt, giũa để “thanh toán” số đinh vít của lớp vì một mình bác bảo vệ không làm xuể!

Nhưng thật bất ngờ, hầu như chẳng mấy thầy cô chủ nhiệm hưởng ứng vì họ cho rằng đó là công việc của nhà trường, của người phụ trách cơ sở vật chất… Thế là thỉnh thoảng có cô này phản ánh về những chiếc đinh đã làm rách áo dài; cô kia phản ánh vì chiếc đinh mà học trò mình bị chảy máu nơi tay…

Chiếc đinh vít nhỏ thôi nhưng đã làm bộc lộ những bất cập trong suy nghĩ của những người thầy cô đứng trên bục giảng. Thay vì hướng dẫn học sinh lớp mình phụ trách hãy chia sẻ, làm tiếp nhà trường để lớp học an toàn hơn thì lại lặng im, không làm giúp… Thế thầy cô dạy học sinh tinh thần tương trợ nhau, giúp đỡ nhau, chia sẻ công việc cho nhau như thế nào? Hay chỉ dạy bằng lý thuyết cao vời mà không gắn liền, không đi đôi với thực hành, với thực tế!

Một chiếc đinh vít nhỏ, một động tác nhỏ là cưa nó, giũa nó cho hết cạnh sắc có thể giảm thiểu nguy cơ gây sự cố. Đó đâu phải là công việc nặng nhọc, mất thời gian gì nhiều đâu mà thầy cô không cho học sinh làm?

Mới biết qua câu chuyện chiếc đinh vít nhỏ, mới nhận ra được một vấn đề không nhỏ: “trường học thân thiện, học sinh tích cực” có được hay không bắt nguồn từ ý thức, từ hành động mang tính sư phạm của người thầy!

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)